(HNM) - Chất lượng không khí đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt với người dân tại các đô thị lớn. Hà Nội có chất lượng không khí hiện tại ra sao và làm thế nào để người dân theo dõi được diễn biến này?
- Xin ông cho biết thực trạng chất lượng không khí ở Hà Nội thời gian gần đây?
- Theo kết quả quan trắc, đa phần chất lượng môi trường không khí toàn thành phố thời gian qua đạt mức trung bình cho tất cả các tháng mùa mưa và mùa khô. Chất lượng không khí tại các khu vực dân cư, khu công nghiệp, giao thông, làng nghề của thành phố có xu hướng được cải thiện.
Cụ thể, trong ba tuần gần đây, chỉ số ghi nhận được ở 10 trạm quan trắc không khí cho thấy, chất lượng không khí ở Hà Nội đa số nằm ở ngưỡng “trung bình”, một số ngày chất lượng đạt mức “tốt” và không có ngày nào chất lượng không khí ở mức “kém”.
Nguyên nhân là Hà Nội liên tục có mưa, tạo thuận lợi để các chất thải, khói, bụi khuếch tán lên các tầng khí quyển cao hơn, bề mặt đô thị cũng sạch hơn, giúp không khí gần mặt đất chứa ít các chất gây hại tới sức khỏe con người và có chất lượng tốt hơn.
Kiểm tra chỉ số không khí tại Trạm quan trắc Trung Yên 3. |
Tuy nhiên, do đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số, phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng đã tác động lớn tới môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn ở khu vực nội thành, các trục giao thông chính và các công trường xây dựng; nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi, tại một số thời điểm vượt giới hạn cho phép.
- Hà Nội đang vận hành 10 trạm quan trắc môi trường không khí, các trạm này hoạt động ra sao, thưa ông?
- Từ năm 2016, Hà Nội đã lắp đặt và đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động (2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến) - do Tập đoàn Environment SA, Pháp cung cấp - đặt tại: Trung Yên 3, Minh Khai, Hàng Đậu, Kim Liên, Hoàn Kiếm, Phạm Văn Đồng, Tân Mai, Tây Mỗ, Thành Công và Mỹ Đình.
Các trạm quan trắc thu thập dữ liệu về không khí ở khu vực đó trong ngày rồi chuyển về Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (đặt tại Chi cục Bảo vệ môi trường) để tổng hợp và so sánh với quy chuẩn Việt Nam (QCVN05-2013) về chất lượng không khí theo các cấp độ: Tốt, trung bình, kém, xấu và nguy hại. Từ đây, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có báo cáo về chất lượng không khí hằng ngày, hằng tháng, hằng năm...
- Với 10 trạm quan trắc, liệu chúng ta có thể đánh giá được chất lượng không khí một cách khách quan, chính xác chưa?
- Để có được những số liệu chính xác, kịp thời về chất lượng không khí của thành phố, việc lắp đặt các trạm quan trắc tự động là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, với số trạm quan trắc như vậy vẫn còn khá ít, chưa đại diện cho các khu vực trên toàn thành phố. Hiện nay, TP Hà Nội đang có kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư để lắp đặt thêm 70 trạm quan trắc không khí theo hình thức xã hội hóa, nâng tổng số lên 80 trạm vào năm 2019; đồng thời, đưa vào sử dụng phần mềm mô hình hóa diễn biến chất lượng không khí trên địa bàn thành phố để có thể cập nhật các thông tin về chất lượng môi trường không khí kịp thời, chính xác. Với những biện pháp này, chất lượng không khí ở Hà Nội sẽ được theo dõi kỹ hơn, cập nhật thường xuyên sâu hơn.
- Thưa ông, vậy làm thế nào để người dân có thể tự theo dõi được diễn biến chất lượng không khí?
- Hiện nay, số liệu quan trắc môi trường không khí đã được Sở Tài nguyên và Môi trường công bố tại Cổng thông tin (moitruongthudo.vn) và Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội (hanoi.gov.vn), chương trình thời sự 18h30 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội và trên trang 8 Báo Hànộimới hằng ngày. Người dân cũng có thể cài đặt ứng dụng theo dõi chỉ số chất lượng không khí của TP Hà Nội trên điện thoại di động để truy cập, theo dõi diễn biến chất lượng không khí theo nhu cầu.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.