Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định kết quả thực hiện những chỉ tiêu phát triển KT-XH

Hoàng Thu Vân| 01/02/2015 06:01

(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, xây dựng đội ngũ và chăm lo, bồi dưỡng cán bộ là công việc trọng yếu của Đảng. Quán triệt quan điểm đó, Đảng bộ TP Hà Nội đặc biệt coi trọng việc chăm lo, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ để thực hiện sự nghiệp phát triển Thủ đô.



Trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội được coi là "xương sống" trong 9 chương trình công tác trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Việc thực hiện hiệu quả Chương trình 01-CTr/TU đã giúp cho nhiều địa phương trên địa bàn thành phố nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới.

Để làm rõ những vấn đề này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Phùng Thị Hồng Hà - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai.

Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Phùng Thị Hồng Hà.

Cán bộ là gốc của mọi công việc

- Đảng bộ TP Hà Nội luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó yếu tố con người là quyết định, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Cụ thể hóa vấn đề đó, Huyện ủy Thanh Oai đã triển khai thực hiện Chương trình 01-CTr/TU như thế nào?

- Những nội dung chính của Chương trình 01-CTr/TU là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Chương trình cũng xác định rõ các vấn đề cấp bách cần giải quyết, đồng thời đề ra những chỉ tiêu cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên… Vì vậy chúng tôi cho rằng, việc thực hiện Chương trình 01-CTr/TU chính là yếu tố quan trọng, quyết định kết quả thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 đã đề ra. Từ nhận thức đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Thanh Oai đã tập trung chỉ đạo đồng bộ, toàn diện và có kế hoạch trong từng giai đoạn để Chương trình 01-CTr/TU được cụ thể hóa bằng các nội dung, chuyên đề, đề án phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị trên địa bàn. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Thanh Oai đã ban hành Chương trình số 05-CTr/HU với 15 đề án, trong đó có 7 đề án về công tác xây dựng Đảng, 2 đề án xây dựng chính quyền, 6 đề án xây dựng các tổ chức, đoàn thể. Từ các đề án của Huyện ủy, Đảng ủy cấp cơ sở đã triển khai 249 đề án, kế hoạch sát thực tiễn, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng; năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị từ huyện tới cơ sở…

- Thực hiện Chương trình 01-CTr/TU, tới thời điểm này, theo bà, đâu là bước chuyển biến rõ nét nhất của địa phương?

- Tôi cho rằng, đó chính là chất lượng cán bộ, đặc biệt là cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở, từng bước đáp ứng nhu cầu về “chuẩn hóa” đội ngũ cán bộ chủ chốt.

- Bà có thể cung cấp một số ví dụ, dẫn chứng để làm rõ vấn đề trên?

- Đầu nhiệm kỳ 2011-2015, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện và các phòng, ban, đoàn thể tỷ lệ trẻ, tỷ lệ nữ còn thấp so với yêu cầu; sự kế thừa giữa các chức danh về độ tuổi chưa tương ứng; một số cán bộ đảm nhiệm một chức danh có thời gian quá lâu chưa được điều động, luân chuyển, dẫn đến việc tham mưu, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao, phong cách làm việc, vận động quần chúng còn hạn chế… Đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở vẫn còn một số chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận; bất cập về năng lực lãnh đạo, quản lý kinh tế. Do đó, chúng tôi đã đề ra chỉ tiêu, phấn đấu đến năm 2015, 100% cán bộ cấp huyện trong diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý có trình độ chuyên môn đại học và lý luận chính trị cao cấp; 100% cán bộ chủ chốt thị trấn có trình độ đại học về chuyên môn và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 80% cán bộ chủ chốt xã có trình độ đại học và 100% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên… Tới thời điểm này, nhiều chỉ tiêu nêu trên đã cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch: Cán bộ trưởng, phó phòng ban cấp huyện đã đạt chuẩn theo quy định, có 8,27% trình độ sau đại học, nhiều đồng chí đã chủ động học thêm văn bằng hai về chuyên môn để góp phần đạt chuẩn về chuyên môn và phù hợp với chuyên ngành để bảo đảm bố trí công tác cán bộ.

Luân chuyển cán bộ là giải pháp quan trọng

- Trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước, việc quy hoạch, điều động và luân chuyển cán bộ được xác định là một chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng trong chiến lược cán bộ của Đảng. Thanh Oai đã thực hiện vấn đề này như thế nào, thưa bà?

- Thời gian qua chúng tôi đã chú trọng đổi mới đồng bộ công tác cán bộ, nhất là đổi mới tư duy, cách làm trong từng khâu, từng phần việc nhằm từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có trình độ, năng lực để đáp ứng với đòi hỏi của tình hình mới. Việc quy hoạch, luân chuyển cán bộ được thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, bài bản, gắn với đánh giá, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch. Do đó, các đợt điều động, luân chuyển cán bộ trên địa bàn huyện đều đạt kết quả tốt, tuyệt đại đa số cán bộ được điều động, luân chuyển đều trưởng thành, phát huy được khả năng, tăng cường thêm sức mạnh cho cấp ủy, chính quyền cơ sở… Hơn ba năm qua, huyện Thanh Oai đã điều động, luân chuyển 20 cán bộ, bổ nhiệm 69 cán bộ, giới thiệu ứng cử 119 cán bộ, tạo bước chuyển mới trong nhận thức về trách nhiệm của cán bộ các cấp, đồng thời phát huy sự năng động, sáng tạo của từng cá nhân trong môi trường mới.

- Chất lượng cán bộ là kết quả tổng hợp tất cả các khâu của công tác cán bộ, trong đó điều động, luân chuyển cán bộ là một trong những giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, để thực hiện việc này là không dễ dàng. Huyện Thanh Oai có gặp khó khăn trong điều động, luân chuyển cán bộ?

- Đúng là về mặt tâm lý, cán bộ được điều động, luân chuyển không tránh khỏi suy nghĩ e ngại, băn khoăn khi phải rời khỏi môi trường công tác quen thuộc cùng sự thành thạo nhất định trong công việc được giao, bên cạnh đó là những mối quan hệ xã hội cùng nhu cầu cá nhân đã được xây dựng và định hình… Mặt khác, không phải không có những tư tưởng cục bộ, khép kín, động cơ cá nhân mà cản trở, gây khó khăn, làm giảm uy tín của cán bộ được điều động tới công tác hoặc lợi dụng việc luân chuyển cán bộ để “đẩy” những người làm việc không hợp với mình hoặc có mâu thuẫn với mình đi nơi khác… Do đó chúng tôi xác định, thực hiện công tác điều động, luân chuyển cán bộ phải hết sức thận trọng, có những bước chuẩn bị hợp lý như tập trung chỉ đạo chặt chẽ công tác đánh giá, quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo trong cả nhiệm kỳ; phê duyệt kế hoạch đào tạo tới từng chức danh cán bộ, công chức, cán bộ nguồn quy hoạch; có cơ chế hỗ trợ cho cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm bảo đảm chất lượng theo quy định của Thành ủy; xây dựng Đề án luân chuyển cán bộ trong từng năm và cả nhiệm kỳ, tăng cường đưa cán bộ về cơ sở để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn…

Chuyển biến mạnh từ nhận thức tới thực hiện

- Thưa bà, như kết luận của Bộ Chính trị (khóa XI) đánh giá, thời gian qua công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Cụ thể là việc xây dựng và thực hiện quy hoạch ở một số địa phương, đơn vị chưa căn cứ chủ yếu vào đánh giá cán bộ, chưa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và năng lực thực tiễn của cán bộ, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ… Huyện ủy Thanh Oai đã khắc phục những vấn đề nêu trên như thế nào?

- Tôi cho rằng để công tác luân chuyển cán bộ phát huy được hiệu quả cần có sự chuyển biến mạnh từ nhận thức tới quá trình thực hiện. Điều động, luân chuyển là tạo cơ hội đào tạo cán bộ, làm mới cán bộ, tạo ra động lực phát triển cho nhiều phía. Điều động, luân chuyển cán bộ không đơn thuần là dịch chuyển, thay đổi vị trí mà cần làm thay đổi cách nghĩ của cán bộ từ “bị” sang “được” luân chuyển để triệt tiêu tư tưởng “nhiệm kỳ - niên hạn”, “cục bộ địa phương - khép kín”. Do đó, việc điều động, luân chuyển cán bộ cần được thực hiện một cách đồng bộ, bài bản, đầy đủ từ khâu quy hoạch dài hơi, xây dựng đề án tới các biện pháp tư tưởng, công tác đào tạo, theo dõi, giúp đỡ cán bộ sau luân chuyển.

- Việc điều động, luân chuyển cán bộ không phải tới giờ chúng ta mới thực hiện. Tuy nhiên, trước đây ở nhiều nơi công tác này được thực hiện chỉ như “giải pháp tình thế”, đặc biệt là việc đưa cán bộ về cơ sở, điều đó dẫn đến nhiều trường hợp điều động, luân chuyển không mang lại kết quả như mong muốn?

- Ở Thanh Oai, chúng tôi thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ gắn liền với xây dựng quy hoạch và đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ. Thường trực, Thường vụ Huyện ủy luôn sâu sát, quan tâm theo dõi, để có sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp đối với cán bộ và cơ sở có cán bộ luân chuyển về. Khi nảy sinh những vấn đề phức tạp, bức xúc thì Thường trực, các ủy viên Thường vụ Huyện ủy phải trực tiếp có mặt ở cơ sở để nắm tình hình, chỉ đạo và đôn đốc giải quyết. Cùng với đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng 10 yêu cầu trong công tác quy hoạch cán bộ theo chỉ đạo của thành phố, lấy quy hoạch cán bộ ở cơ sở để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp huyện, sử dụng quy hoạch cấp huyện để thúc đẩy quy hoạch cơ sở, đồng thời coi trọng việc bố trí và sử dụng cán bộ đã qua đào tạo, nhất là cán bộ trong quy hoạch… Cần lưu ý rằng, điều động, luân chuyển cán bộ chỉ là một phần việc, một khâu trong công tác cán bộ.

- Công tác quy hoạch cán bộ là rất cần thiết, tuy nhiên nếu thực hiện không cẩn trọng dễ tạo ra sức ì, người được đưa vào diện quy hoạch rồi là “yên vị”, yên tâm được đưa vào cơ cấu, chờ bố trí, sắp xếp “chỗ ngồi”, dẫn đến việc phấn đấu hạn chế hoặc xuất hiện tư tưởng “dĩ hòa vi quý” để lấy phiếu bầu... Bà nghĩ sao về những hiện tượng đó?

- Công tác quy hoạch cán bộ của Hà Nội nói chung cũng như ở Thanh Oai nói riêng được thực hiện theo phương châm “động” và “mở”, có vào, có ra. Hằng năm, quy hoạch cán bộ các cấp đều được tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung... Đặc biệt, ngoài những tiêu chí theo “chuẩn” chung trong công tác quy hoạch cán bộ của thành phố, Thanh Oai còn phấn đấu thêm tiêu chí trải qua thực tiễn ở cơ sở nữa, điều này đúng với định hướng, quan điểm của Đảng trong công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ. Tất cả những biện pháp đó giúp cho đội ngũ cán bộ có quá trình phấn đấu thường xuyên, liên tục chứ không thể ngồi một chỗ chờ sắp đặt vị trí, chức danh.

- Thưa bà, việc thực hiện Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã có tác động và ý nghĩa như thế nào đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong thời gian qua?

- Sự lãnh đạo của Đảng, khả năng quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền và hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội chính là mấu chốt của mọi vấn đề, chi phối mọi hoạt động của đời sống xã hội. Hiệu quả trong thực hiện Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã giúp chúng tôi có những giải pháp cụ thể nhằm củng cố chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là ở cơ sở và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Điều đó rất quan trọng trong tình hình hiện nay bởi địa bàn dân cư được ví như “cái phễu”, triển khai mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Sức lan tỏa, độ “ngấm” của các chủ trương, chính sách vào cuộc sống như thế nào, lòng tin của quần chúng đối với chế độ ra sao phụ thuộc rất lớn vào khả năng lãnh đạo, điều hành và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Trên thực tế, chúng tôi đã có những chuyển biến mang tính đột phá, góp phần tích cực thúc đẩy việc hoàn thành những chỉ tiêu cụ thể Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Oai khóa XXI đã đề ra, tới thời điểm này đã có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch và thu ngân sách của địa phương đã vượt cao so với mức được giao; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã, thị trấn đạt từ 10 đến 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Đặc biệt là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, từ đó niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng được nâng cao. Diện mạo của Thanh Oai sẽ còn có nhiều đổi thay từ công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phù hợp với công cuộc đổi mới của Thủ đô và đất nước.

- Cảm ơn bà về những nội dung đã trao đổi!
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định kết quả thực hiện những chỉ tiêu phát triển KT-XH

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.