Để thực hiện tốt vai trò của đại biểu dân cử, ngoài cái tâm, đòi hỏi mỗi đại biểu phải nắm bắt và hiểu rõ những bức xúc, những vấn đề đặt ra từ cuộc sống, từ đó tập trung trí tuệ nghiên cứu, tìm giải pháp giải quyết. Lý là vậy, song trong thực tiễn hoạt động, không phải đại biểu nào cũng làm tròn trách nhiệm cử tri "giao phó" qua việc phản ánh, chất vấn, bàn thảo, tìm hướng giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc.
Ngay tại nghị trường Quốc hội, về cơ bản vẫn chỉ có một số gương mặt đại biểu quen thuộc đăng đàn chất vấn. Đại biểu HĐND cũng không khác hơn. Trong các phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội có nhiều đại biểu đăng ký chất vấn, nhưng đa phần là đại biểu chuyên trách. Sự tham gia của đại biểu kiêm nhiệm vẫn ít, cá biệt có đại biểu cả nhiệm kỳ không có ý kiến phát biểu tại kỳ họp.
Cũng có thể do đại biểu đã phát biểu tại các diễn đàn khác, trong khi quỹ thời gian của kỳ họp hạn hẹp. Nhưng không thể loại trừ nguyên nhân trình độ hạn chế hoặc tự ti dẫn đến đại biểu ít phát biểu, thậm chí không phát biểu, chất vấn. Và nếu vậy, rõ ràng việc giới thiệu, bầu chọn hoặc cơ cấu các đại biểu chưa thật sự hợp lý.
Để khắc phục hiện tượng này, yếu tố cốt lõi phải nâng chất lượng đại biểu bằng việc lựa chọn được những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân phải có trình độ, cái tâm, bản lĩnh và kỹ năng nghị trường. Đây là đòi hỏi bức thiết, vấn đề đặt ra khi mà cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang được thực hiện quy trình hiệp thương, giới thiệu ứng cử viên. Giải pháp được thống nhất, đang triển khai đó là, nâng tỷ lệ đại biểu dân cử hoạt động chuyên trách. Khi họ chỉ chuyên tâm cho công việc của cơ quan dân cử, chắc chắn chất lượng hoạt động sẽ được nâng cao hơn. Đại biểu chuyên trách cũng không phải "ngại" khi phát biểu, đề cập đến những vấn đề gai góc, đụng chạm đến cơ quan này, lĩnh vực kia; giải tỏa sự băn khoăn "phát biểu với tư cách đại biểu dân cử hay phát biểu với tư cách là nhà quản lý".
Chắc chắn cử tri sẽ không bầu những đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tái cử nếu theo dõi sát và biết đại biểu có biểu hiện không hoàn thành nhiệm vụ. Việc cần làm bây giờ là tìm, chọn những ứng cử viên có trình độ chuyên môn sâu, tâm huyết, dám nói lên tiếng nói của cử tri, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.