Chính trị

Công tác giám sát năm 2023 của Quốc hội khóa XV: Những điều đặc biệtBài 2: Mang tiếng nói nhân dân đến nghị trường

Nhóm phóng viên 01/12/2023 - 06:37

Trong thời gian qua, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, mang tiếng nói, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri cả nước đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, tạo ra chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã tạo được niềm tin rất lớn thông qua việc đổi mới trong công tác giám sát việc giải quyết nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

cu-tri.jpg
Cử tri huyện Ba Vì phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, tháng 9-2023.

Trách nhiệm đến cùng với nguyện vọng của cử tri

Gửi kiến nghị đến kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị cần sớm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TƯ (ngày 21-5-2018) Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Các đại biểu Quốc hội đã đưa tiếng nói của cử tri và nhân dân về thực hiện cải cách toàn diện chính sách tiền lương đến phiên thảo luận về kinh tế - xã hội cũng như phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu.

Trên cơ sở đó, Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ sáu đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với nội dung về chính sách tiền lương. Quốc hội quyết nghị từ ngày 1-7-2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ.

Việc Quốc hội thông qua thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024, theo cử tri Nguyễn Thị Bảo Yến (quận Ba Đình, Hà Nội), đây là điều mong mỏi nhất đối với đội ngũ công chức, viên chức và người lao động. Cải cách tiền lương hướng tới lương, mức độ thưởng, chế độ phân công công việc bảo đảm công bằng, từ đó, tạo sự an tâm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

Bên cạnh những vấn đề quan trọng của đất nước, những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về vấn đề của địa phương cũng được các đại biểu Quốc hội ghi nhận, chuyển đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết thấu đáo, tạo ra chuyển biến tích cực.

Liên quan đến đất dịch vụ được cử tri một số địa phương tại Hà Nội quan tâm, kiến nghị qua nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho biết, có những vấn đề còn tồn tại liên quan đến đất dịch vụ trên địa bàn thành phố từ trước khi điều chỉnh địa giới hành chính và kế thừa cơ chế, chính sách của Luật Đất đai 2013 và các nghị định ban hành trước Luật.

Tiếp thu kiến nghị này của thành phố Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản cho phép UBND thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ giao đất dịch vụ trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Mê Linh theo thẩm quyền đối với các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp thu hồi từ khi có quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trước đây và các trường hợp còn tồn đọng theo quy định của Luật Đất đai năm 2003. Theo UBND huyện Mê Linh, chủ trương này sẽ giúp giải quyết gần 24ha đất dịch vụ cho 5.642 hộ dân trên địa bàn.

Cử tri Đỗ Thị Thúy (huyện Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ, sau 20 năm mong mỏi với hàng chục lá đơn gửi các cấp từ thành phố đến trung ương, đến nay, vấn đề giao đất dịch vụ cho hàng nghìn hộ dân ở huyện Mê Linh bước đầu đã được giải quyết.

Đổi mới trong xử lý công việc của người dân

Qua hai lần thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư và kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Trong đó, kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri tại hai kỳ họp đều đạt hơn 99%, thể hiện sự cầu thị, tiếp thu của các bộ, ngành, địa phương trong việc trả lời kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Đặc biệt, là nội dung lần đầu tiên thảo luận tại kỳ họp thứ sáu, các đại biểu Quốc hội nhận thấy, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, góp phần ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Anh Công nhận định, việc Quốc hội khóa XV lần đầu tiên tiến hành thảo luận tại hội trường báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ năm và tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ sáu là hình thức giám sát trực tiếp tối cao của Quốc hội đối với vấn đề này, từ đó tạo được niềm tin rất lớn đối với việc giải quyết nguyện vọng của cử tri và nhân dân được đưa tới diễn đàn Quốc hội.

Ông Hoàng Anh Công cho rằng, từ việc thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội sẽ thẳng thắn chỉ ra những việc đã làm được và chưa làm được của Chính phủ và các bộ, ngành; qua đó tăng trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành, xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị, đúng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, lấy công việc của dân là công việc của mình, tập trung sức lực để hoàn thành công việc của người dân giao phó. Hoạt động này có ý nghĩa chính trị rất lớn, là bước tiến và đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội khóa XV.

Còn đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhận định, thông qua việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện xem xét công tác dân nguyện hằng tháng, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật trên thực tiễn đã được phản ánh kịp thời để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, giải quyết…

Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đơn, thư sử dụng chung giữa các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội để thuận lợi hơn trong việc quản lý, lưu trữ, xử lý đơn, thư và theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn, thư.

Làm gì để nâng cao công tác giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong đó, có việc kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trả lời, giải đáp thỏa đáng những ý kiến kiến nghị chính đáng của cử tri, nhất là các vụ việc tồn đọng nhiều năm chưa giải quyết.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công tác giám sát năm 2023 của Quốc hội khóa XV: Những điều đặc biệt Bài 2: Mang tiếng nói nhân dân đến nghị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.