(HNM) - Những vấn đề mới phát sinh cùng những mâu thuẫn nội tại tiếp tục tạo nên năm 2019 đầy rối ren và biến động đối với Trung Đông, đưa "chảo lửa" này trở thành một trong những tâm điểm của chính trường quốc tế.
"Bàn cờ" chính trị Trung Đông trong năm 2019 vẫn là cuộc cạnh tranh quyền lực, lợi ích và vị thế chiến lược giữa các cường quốc. Sau nhiều năm nỗ lực duy trì ảnh hưởng, Mỹ bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria, đánh dấu bước ngoặt trong chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm đưa xứ Cờ hoa ra khỏi cuộc chiến mà ông chủ Nhà Trắng nhận định là “không hồi kết”.
Khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại mở ra cơ hội cho Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Mátxcơva nổi lên như một nhân tố quan trọng điều phối tình hình, nắm giữ những cơ hội lớn để dàn xếp và giải quyết các vấn đề trong khu vực.
Cùng với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều thuận lợi trong việc củng cố vị thế tại Trung Đông khi hoàn thành các mục tiêu thiết lập vùng an toàn trên lãnh thổ Syria và tiếp tục triển khai quân ở khu vực này.
Trong khi đó, những diễn biến mới giúp Tổng thống Syria B.al-Assad dần củng cố quyền lực, đưa quốc gia này đứng trước thời cơ chấm dứt cuộc nội chiến sắp bước sang năm thứ chín.
Cuộc chiến chống khủng bố do xứ Cờ hoa phát động cũng chứng kiến một bước ngoặt quan trọng khi thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của quân đội Mỹ vào tỉnh Idlib ở miền Tây Bắc Syria. Đây được coi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011.
Song nhiều quốc gia cũng cảnh báo đây chưa phải là dấu chấm hết cho tổ chức khủng bố này. Việc Mỹ rút khỏi Syria được coi là hành động "bật đèn xanh" cho chiến dịch tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Kurd ở khu vực biên giới với Syria, vốn gây lo ngại sẽ tạo thời cơ cho các phần tử thánh chiến trỗi dậy.
Cuộc đối đầu dai dẳng giữa Mỹ và Iran là một trong những nguyên nhân khiến tình hình Trung Đông năm qua luôn trong tình trạng cận kề “miệng hố chiến tranh”. Trong khi Mỹ liên tục áp đặt hàng loạt biện pháp siết chặt trừng phạt thì quốc gia Cộng hòa Hồi giáo lại thực hiện những bước đi hướng tới giảm dần các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và Nhóm P5+1, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Washington đã đơn phương rút khỏi.
Vụ việc Iran bắt tàu chở dầu Stena Impero của Anh tại eo biển Hormuz hay việc Mỹ cáo buộc Iran gây ra các vụ tấn công vào 2 nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia làm căng thẳng tại Trung Đông leo thang chóng mặt, khiến bất kỳ bước đi thiếu kiểm soát nào cũng có thể trở thành “giọt nước tràn ly” đe dọa an ninh khu vực.
Trong khi đó, tiến trình hòa bình giải quyết xung đột lịch sử giữa Israel và Palestine vẫn rơi vào bế tắc và có nguy cơ leo thang bạo lực khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết áp đặt chủ quyền đối với thung lũng Jordan và phía Bắc Biển Chết.
Việc chính quyền Mỹ liên tiếp có các bước đi làm khoét sâu đối đầu giữa hai bên như tuyên bố ủng hộ quyền của Israel trong vấn đề xây dựng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine đã khiến căng thẳng tại vùng đất này tăng cao trong suốt năm qua, khi các cuộc bắn phá qua biên giới giữa các tay súng Palestine ở dải Gaza và quân đội Israel thường xuyên diễn ra.
Chiếm tới 60% trữ lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt của thế giới, không khó hiểu khi Trung Đông vẫn luôn là khu vực đóng vai trò quan trọng, tồn tại sự đan xen lợi ích và tranh giành tầm ảnh hưởng của các cường quốc. Sự thay đổi cục diện và cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt khiến năm 2020 được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp, khó lường trên "bàn cờ" Trung Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.