Tìm về thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ hỏi thăm nhà anh Phùng Văn Trường, nhiều bà con vừa chỉ nhà cho chúng tôi vừa tranh thủ giới thiệu về Trường: "Cậu này giỏi lắm, viết bằng miệng mà rất đẹp". Dù đã được biết trước về khả năng viết chữ của Trường nhưng khi trực tiếp nhìn những dòng chữ trên trang vở từng nét thanh, nét đậm của con chữ tròn chịa mà hiếm ai có thể viết bằng tay đẹp đến thế khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Điều đó thể hiện sự khổ luyện của Trường.
Trường là con trai đầu của ông Phùng Văn Mười, chào đời năm 1979 khỏe mạnh nhưng lên 3, 4 tuổi Trường vẫn không đi, đứng và cầm nắm được do bị bại liệt dù đã được bố mẹ "lạy tứ phương" và cố gắng chạy chữa. Tuy vậy, Trường vẫn đến trường như bao bạn khác, thành tích học tập liên tục nằm trong top khá, giỏi của lớp. Đến năm học lớp 8, đôi bàn tay choãi ra, cứng lại không thể gắng cầm cây bút được nữa, sức khỏe yếu hẳn nên Trường đành phải dừng việc học.
Không cam tâm trở thành người vô dụng trong khi đầu óc rất tỉnh táo, minh mẫn, Trường quyết tìm cách cầm bút trở lại, từ đó cậu mải miết luyện viết chữ bằng miệng. Ngậm bút để viết thật không đơn giản chút nào, ngậm thân bút dài cho chắc thì đầu bút cách vở gần khiến mắt nhìn bị lóa, ngậm thân bút ngắn cho cách vở xa hơn, dễ nhìn hơn thì cây bút chệch choạc khó viết; hơn nữa, ngậm bút lâu vừa mỏi vừa đau miệng. Khó vậy mà Trường vẫn không nản chí, ngày qua ngày luyện tập, vài tháng sau đã viết được bằng miệng, viết bằng bút bi, bút chì, bút dạ, các nét chữ đều và đẹp đến kỳ lạ. Khi đã thạo như viết bằng tay, Trường nhận kèm cặp cho mấy đứa trẻ học lớp 1, lớp 2 gần nhà. Dần dà, tiếng lành đồn xa, nhiều người dân làng trên, xóm dưới và cả xã lân cận cũng mang con đến nhờ Trường kèm cặp dạy học thêm. Học trò của Trường không chỉ được rèn chữ, luyện toán mà còn nhìn thấy sự nỗ lực của người "thầy giáo đặc biệt" cũng học được tính siêng năng.
Hơn 2 năm, kèm cặp cho hơn chục đứa trẻ, bố mẹ các cháu thấy con mình tiến bộ và cảm động về tấm lòng của Trường nên đề nghị Trường nhận chút tiền bồi dưỡng. Vậy là từ đầu năm 2012 đến nay, Trường đã có thu nhập chính đáng từ sức lao động của mình, dù ít ỏi song cũng khiến cậu trở thành người có ích.
Qua nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, chàng thanh niên khuyết tật này đã được nhiều người cảm phục và yêu mến, trong đó có một người phụ nữ được Trường "chấm" là người có tâm rất tốt, thực sự đồng cảm và yêu mình để kết thành bạn trăm năm. Giờ đây, hạnh phúc bên gia đình nhỏ bé, Trường không ngừng trau dồi kiến thức và sự hiểu biết xã hội để tiếp tục làm được nhiều việc có ích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.