(HNM) - Nạn tin nhắn rác đã, đang làm phiền khách hàng di động trong nhiều năm qua, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nạn tin nhắn rác đã, đang làm phiền khách hàng di động trong nhiều năm qua, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có nhiều thuê bao trung bình mỗi ngày nhận được 3-5 tin nhắn rác, thuê bao số đẹp có những thời điểm nhận 10-20 tin nhắc rác/ngày. Trong số những tin nhắn rác này, lượng tin nhắn lừa đảo, tin nhắn có nội dụng thiếu lành mạnh chiếm không ít. Tuy nhiên, những tin nhắn này chỉ "bùng phát" và xuất hiện nếu cơ quan quản lý nhà nước không vào cuộc quyết liệt. Hiện nay, số lượng tin nhắn mua bán bất động sản, sim số đẹp hiện chiếm 70-80% số lượng tin nhắn rác lưu hành.
Trước phản ứng gay gắt của dư luận, sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các nhà mạng cũng đã thực hiện các giải pháp chặn tin nhắn rác. Một trong những giải pháp được nhắc đến là hình thức chặn bằng "từ khóa", ví dụ từ "bất động sản" hoặc "sim số"; mặt trái của chặn bằng từ khóa là có thể gây ra hiểu lầm cho hệ thống có thể chặn nhầm. Đại diện nhà mạng MobiFone cho biết, với biện pháp chặn tin rác bằng "từ khóa" 5 tháng đầu năm 2015, MobiFone đã chặn 170.000 thuê bao, tuy nhiên có chưa đến 10 trường hợp khiếu kiện. Vinaphone đã chặn tin rác của 200.000 thuê bao, song không có trường hợp nào khiếu kiện.
Được biết, cả 3 nhà mạng lớn đã đầu tư để đưa hệ thống chặn tin rác này hoạt động. Trong đó, Viettel có hệ thống VMSC chặn tin nhắn theo tần suất, từ khóa với năng lực đáp ứng được 10 triệu thuê bao (đưa vào hoạt động từ tháng 6-2015). MobiFone có hệ thống chặn tin rác theo từ khóa có dung lượng đáp ứng 15 triệu thuê bao. Vinaphone đã áp dụng chặn cả tần suất lẫn cú pháp từ mức 60 tin nhắn/phút giảm xuống 30 tin/phút và đang hướng tới 10 tin/5 phút. Ngoài hình thức chặn tin nhắn rác theo từ khóa, tần suất, Bộ TT-TT đang yêu cầu các DN đưa ra hình thức cung cấp dịch vụ chặn tin rác cho thuê bao. Theo đó, nhà mạng đưa ra dịch vụ chặn tin nhắn rác dành cho người dùng, cho phép người dùng được lựa chọn từ chối nhận tin quảng cáo.
Một giải pháp nữa được đưa ra đó là quy định về hạn mức tin nhắn. Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ TT-TT) đang xây dựng dự thảo "Tiêu chí hướng dẫn phát hiện, ngăn chặn, quy định và xử lý thuê bao phát tán tin nhắn rác", trong đó đưa ra khái niệm "hạn mức tin nhắn" nhằm quy định số lượng tin nhắn được phép gửi đi từ một thuê bao đến một hoặc nhiều thuê bao khác trong một khoảng thời gian nhất định. Những thuê bao có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức sẽ phải đăng ký với nhà mạng theo hướng dẫn của DN và phải là thuê bao trả sau. Việc đăng ký phải được tiến hành trực tiếp tại điểm đăng ký thông tin thuê bao. Song, với đề xuất này một số nhà mạng tỏ ý lo ngại.
Viettel và Vietnamobile cho rằng, nếu áp dụng thì thuê bao là sinh viên sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì có khách hàng gửi nhiều hơn số tin nhắn/ngày, nếu áp dụng sẽ gây phiền phức cho khách hàng. Một vài ý kiến khác cũng cho rằng, một số DN hoặc tổ chức xã hội cũng sẽ bị ảnh hưởng khi nhắn tin nhóm (nhắn tin dạng Group), bởi lượng tin nhắn có thể lên đến hàng trăm tin trong vài phút.
Trước kiến nghị của DN, lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết, tạm thời Bộ chưa áp dụng quy định này buộc nhà mạng phải thực hiện hạn mức tin nhắn để chống tin nhắn rác. Tuy nhiên, các DN phải đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tập trung xử lý các thuê bao sử dụng sim box hoặc phần mềm phát tán tin nhắn với tần suất cao, trong đó chú trọng việc chặn sim box trước tiên để hạn chế nạn tin nhắn rác gây bức xúc cho khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.