Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặn tin nhắn rác: Loay hoay tìm giải pháp

Châu Anh| 13/02/2015 06:52

(HNM) - Làm thế nào để hạn chế tin nhắn rác - vốn gây bức xúc cho người sử dụng điện thoại di động - đó là chủ đề của hội nghị do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa tổ chức...

3 nhóm doanh nghiệp phải có trách nhiệm

Trong dự thảo triển khai kế hoạch thực hiện Chỉ thị 82, Sở yêu cầu 3 nhóm DN (cung cấp dịch vụ viễn thông - nhà mạng; DN cung cấp dịch vụ nội dung; DN cung cấp dịch vụ mạng xã hội, trò chơi trực tuyến, tổ chức, DN thiết lập trang thông tin điện tử) phải thực hiện nghiêm túc các quy định chuyên ngành. Cụ thể, các nhà mạng cần chủ động xây dựng phương án kỹ thuật nhằm ngăn chặn, phát hiện tin nhắc rác, tin nhắn lừa đảo và thu hồi sim khi phát biện thuê bao vi phạm; tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ các DN cung cấp dịch vụ nội dung thông tin (đã có hợp tác với chính nhà mạng) và chấm dứt hợp đồng nếu đối tác có sai phạm. Các DN cung cấp dịch vụ nội dung phải phối hợp với các DN cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện lưu trữ cơ sở dữ liệu đầy đủ, an toàn và xử lý các khiếu nại về dịch vụ nội dung liên quan dịch vụ của mình; có hệ thống cho phép người sử dụng tra cứu, đăng ký sử dụng dịch vụ và hệ thống tiếp nhận yêu cầu từ chối sử dụng dịch vụ của người sử dụng…

Tin nhắn rác vẫn là nỗi ám ảnh của không ít người sử dụng điện thoại di động.


Sở quy định đến ngày 31-3, các DN phải hoàn thành các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn việc phát triển tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và báo cáo kết quả thực hiện về Sở TT-TT. Hằng tháng, các phòng VHTT quận, huyện, thị xã kiểm tra, tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi nhỡ lừa đảo trên địa bàn và gửi về Sở theo quy trình đã ban hành. Đồng thời, Sở TT-TT cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra - kiểm tra xử lý vi phạm theo quy định.

Như vậy, bên cạnh một loạt quy định "thắt chặt" quản lý của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã ban hành (thông tư về quy định quản lý thông tin thuê bao, thông tư quy định về giá cước hòa mạng dịch vụ, giá sim…) thì quy định về trách nhiệm của các DN có liên quan đã được đề ra rõ ràng, cụ thể. Vì xét cho cùng, chính "nhóm" DN gồm nhà mạng, DN kinh doanh dịch vụ nội dung, DN kinh doanh mạng xã hội, trò chơi… là những đối tượng trực tiếp kinh doanh, quản lý thuê bao điện thoại của khách hàng và không có lý do gì để họ có thể thờ ơ trong khi dư luận xã hội bức xúc.

Cần biện pháp đồng bộ

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc MobiFone Nguyễn Đình Chiến cho biết, nhà mạng cũng đã có các biện pháp chặn tin nhắn rác bằng biện pháp kỹ thuật như chặn theo tần suất và nguồn gửi; tuy nhiên, chưa thực hiện chặn theo từ khóa và đó cũng là một lý do mà hiện nay chưa thể chặn được rất nhiều tin nhắn rao bán bất động sản. Cũng theo vị lãnh đạo MobiFone, nhà mạng cũng dùng hệ thống chặn theo tần suất nhưng bản thân tần suất của người gửi thay đổi liên tục để "né" nhà mạng, ví dụ: Nhà mạng có hệ thống chặn số điện thoại nào nhắn 100 tin thì người phát tán tin rác chỉ mặc định 99 tin nhắn để tránh bị kiểm soát. Trong khi đó, tin nhắn rác thuộc nhiều mạng trong khi chỉ xử lý được với số điện thoại phát tán thuộc mạng mình quản lý.

Vì vậy, đại diện MobiFone đề nghị Sở TT-TT Hà Nội ban hành công văn chỉ đạo tất cả nhà mạng cũng thực hiện ngăn chặn tin rác, vì nếu để một nhà mạng chặn thì không có tác dụng. Đồng thời đề xuất, do "cái gốc" là ở số điện thoại liên hệ nằm trong tin nhắn rác, vì người nhắn tin rác thường thay đổi sim liên tục nên việc khóa, chặn thuê bao này không hiệu quả, mà số điện thoại liên hệ trong nội dung tin nhắn rác thường là cố định nên cần có biện pháp xử lý với số điện thoại liên hệ trong tin nhắn rác.

Đồng tình với ý kiến này của MobiFone, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông của Sở TT-TT Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, mặc dù từ năm 2013 đến nay, Sở đã yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ viễn thông 8 lần "cắt" các số điện thoại liên hệ trong tin nhắn rác và đầu số phát tán tin nhắn rác, nhưng cũng chỉ cắt được 37 đầu số và hơn 400 số điện thoại. Hơn nữa, những đầu số và số điện thoại bị cắt cũng đều là nguồn gửi tin nhắn đến, còn số điện thoại liên lạc bên trong tin nhắn chưa cắt được vì chưa có văn bản chỉ đạo. Vì vậy, Trưởng phòng BCVT Sở kiến nghị cần tạm dừng số điện thoại liên lạc trong tin nhắn rác, sau đó sẽ xem xét, xử lý nếu chủ của số điện thoại đó chứng minh được sự "vô can" trong tin nhắn rác hoặc có biện pháp khắc phục, cam kết không tái phạm.

Cùng quan điểm này, đại diện các nhà mạng Vinaphone, Vietnamobile, Gmobile cũng cho biết họ sẵn sàng các biện pháp ngăn chặn tin nhắc rác. Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Xuân Trụ cũng đã yêu cầu các DN, trong đó có nhà mạng phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp để ngăn chặn tin nhắn rác. Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng đề nghị Sở TT-TT Hà Nội tham mưu cho UBND TP Hà Nội xây dựng, ban hành các quy định như tạm dừng số điện thoại trong tin nhắn rác…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chặn tin nhắn rác: Loay hoay tìm giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.