(HNM) - Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, trong những năm qua, Việt Nam luôn thể hiện khát vọng phát triển đất nước gắn liền với khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Việt Nam đã thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Nhờ vậy, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; có đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào những vấn đề khu vực và quốc tế đã, đang đặt ra.
Những nỗ lực đó có thể kể đến là chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành các trọng trách quốc tế quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021), Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…
Việt Nam đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam đã đàm phán, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, mở ra thị trường thương mại tự do rộng lớn với trên 60 quốc gia. Trong đại dịch Covid-19, mặc dù còn nhiều khó khăn, song Việt Nam đã viện trợ khẩu trang, một số vật tư y tế cho 51 quốc gia, đồng thời đóng góp hàng triệu USD cho Chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới.
Là quốc gia yêu chuộng hòa bình, vì vậy, trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn của nước ta đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Mới đây nhất, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chúc mừng Việt Nam đã quyết định đưa ra cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các nước thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26) về việc đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng với Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Một vấn đề “nóng”, mang tính toàn cầu khác đang đặt ra là an ninh lương thực. Tại phiên thảo luận mở về chủ đề “xung đột và an ninh lương thực” của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19-5, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn trở thành một “trung tâm sáng tạo về lương thực” của khu vực và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.
Khẳng định đường lối đối ngoại thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách dân tộc Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến công tác ở Hoa Kỳ, chiều 11-5-2022, trong bài thuyết trình với tựa đề “Chân thành, lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn” tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở Washington D.C, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết các vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay”.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định: “Mỗi quốc gia cần hành xử một cách có trách nhiệm, thể hiện trước hết ở việc tuân thủ những cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị mà mỗi nước đã lựa chọn và được nhân dân ủng hộ, đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế tùy theo khả năng của mình”.
Thế giới vẫn đang không ngừng chuyển biến mạnh mẽ, nhưng hợp tác quốc tế vẫn phải là xu hướng tất yếu để cùng nhau gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển và tình hữu nghị giữa các quốc gia. Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhất là các vấn đề toàn cầu, mà cần có sự hợp tác của các nước khác, cộng đồng quốc tế và người dân. Vì thế, chúng ta cần đề cao đối thoại để hiểu biết về nhau hơn, vì một nền hòa bình, thịnh vượng lâu dài cho nhân loại.
Hòa bình, hợp tác và phát triển luôn là nguyện vọng thiết tha của nhân dân thế giới. Chỉ khi có đầy đủ sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, các nước mới có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra một cách thực chất, hiệu quả, vì một thế giới tốt đẹp hơn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.