(HNM) - Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 31-12-2018, tổng số tiền nợ thuế là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31-12-2017, trong đó tiền nợ thuế không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng. Còn năm 2019, tính đến thời điểm 31-8, tổng số tiền nợ thuế là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm cuối năm 2018.
Trong đó, tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế. Những con số “biết nói” kể trên đã vẽ nên bức tranh khá toàn diện về thực trạng nợ đọng thuế tồn tại kéo dài nhiều năm qua và ngày càng gia tăng. Đặc biệt, hiện số nợ thuế không còn khả năng thu hồi đã chiếm đến gần nửa tổng số tiền nợ thuế, gây áp lực lên công tác quản lý thuế...
Vì vậy, việc trình Quốc hội ban hành nghị quyết về xử lý nợ thuế sẽ tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu hồi. Đồng thời tháo gỡ khó khăn cho những người nộp thuế có phát sinh tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ... và được cơ quan Thuế xác minh không còn khả năng nộp thuế.
Chủ trương này nhận được sự đồng tình của dư luận bởi đây là thời điểm phù hợp để xem xét xóa nợ thuế trước khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, trong đó có quy định khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp. Các quy định này được áp dụng cho đối tượng nợ thuế phát sinh từ ngày 1-7-2020 nhưng vẫn chưa có quy định để xử lý nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi thời gian trước ngày 1-7-2020.
Tuy nhiên, đây là chính sách lớn, nhiều nội dung nằm ngoài quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành và dự kiến số tiền xóa nợ lớn (gần 16.400 tỷ đồng), có thể tác động đến số thu ngân sách nhà nước, liên quan đến ý thức tuân thủ pháp luật về thuế cũng như bảo đảm sự công bằng giữa người nộp thuế. Do đó, để bảo đảm công bằng, minh bạch, không làm thất thu ngân sách nhà nước, cần thành lập Hội đồng tư vấn xóa nợ thuế, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý đủ mạnh đối với người có thẩm quyền xử lý nợ đọng. Hồ sơ xem xét khoanh nợ, xóa nợ do ngành Thuế lập và các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định. Vấn đề xóa nợ, khoanh nợ có số tiền lớn, vậy trách nhiệm khi lập hồ sơ thẩm tra, thẩm định như thế nào; thẩm quyền của cơ quan giám sát ra sao cũng cần được làm rõ. Cũng cần quy định việc Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán khi hoàn thành nhiệm vụ này để bảo đảm sự minh bạch…
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về chính sách khoanh nợ, xóa nợ thuế cũng cần được chú trọng. Vì hiện nay vẫn có ý kiến cho rằng xóa nợ là thất thu ngân sách và tại sao lại phát sinh khoản nợ lớn như vậy, có phải do quản lý yếu kém hay không? Qua đó cho thấy sự cần thiết phải có nghị quyết riêng về chính sách khoanh nợ, xóa nợ để người dân hiểu việc xóa nợ thuế thực chất là xóa các khoản nợ “ảo” do người nộp thuế đã chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh... Việc xóa nợ này không phải làm mất tiền ngân sách mà là xóa nghĩa vụ của người nộp thuế, là khoản tiền trên danh nghĩa. Ngoài ra, cần phải gắn trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với các trường hợp doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, nhưng không theo dõi quản lý, gây thất thu ngân sách.
Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, trong khi Luật Quản lý thuế sửa đổi lại có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, nên sẽ có khoảng trống 6 tháng. Do đó, các cơ quan liên quan cần có phương án, biện pháp kiểm soát, xử lý để chặn đứng nguy cơ trục lợi, chây ỳ nợ thuế từ chính sách khoanh, xóa nợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.