(HNM) - Từ lâu, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả trên những tuyến đường mòn biên giới, nhất là tại tỉnh Lạng Sơn luôn là vấn đề nhức nhối.
Các lực lượng tổ chức nhiều đợt ra quân, tiến hành nhiều biện pháp nhưng càng gần đến Tết Nguyên đán, tình hình vận chuyển, buôn bán các loại hàng lậu như rượu, bia, thuốc lá, pháo nổ, đồ chơi bạo lực… gia tăng với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.
Tình hình buôn lậu dịp cuối năm đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Cao Tâm |
Gia tăng pháo lậu
Bất chấp lệnh cấm buôn bán, tàng trữ và đốt pháo nổ của Chính phủ, vào dịp cận Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tình hình buôn lậu và vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới vẫn gia tăng. Đáng lưu ý, số pháo nhập lậu bị bắt giữ khi tuồn vào nội địa có nhiều loại nguy hiểm, không an toàn cho người sử dụng như pháo lựu đạn, pháo dàn, pháo cối có tiếng nổ chát chúa. Tính đến tháng 12-2013, tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 171 vụ, 196 đối tượng buôn bán, vận chuyển gần 8 tấn pháo do Trung Quốc sản xuất (tăng 16 vụ, 22 đối tượng và trên 1 tấn pháo so với cùng kỳ năm 2012). Trong đó, đã khởi tố 71 vụ, 94 bị can; xử phạt hành chính 48 vụ, 72 đối tượng với số tiền 394 triệu đồng, xét xử điểm, lưu động 8 vụ, 15 bị cáo để răn đe.
Dù số vụ, số đối tượng buôn lậu bị bắt, xử lý do buôn bán, vận chuyển pháo nổ gia tăng nhưng vì lợi nhuận cao nên các đối tượng không từ một thủ đoạn nào tuồn hàng lậu vào nội địa. Không đi theo đường mòn xuyên núi qua lối cửa khẩu Tân Thanh như mọi năm, năm nay các đối tượng buôn lậu pháo đã chọn vùng xa trung tâm như cửa khẩu Pò Mã (huyện Tràng Định) để tuồn vào trong nước với số lượng lớn. Chỉ trong hơn ba tháng (từ tháng 7 đến 10-2013), cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Mã đã thu giữ hơn 700kg pháo lậu, trong đó có vụ bắt giữ được 558kg pháo lậu. Gần đây nhất, Công an huyện Lộc Bình bắt quả tang 3 đối tượng ở tỉnh Bắc Giang có hành vi vận chuyển 102kg pháo về xuôi tiêu thụ. Tại huyện Đồng Đăng, các chủ đầu nậu thường thuê đối tượng vận chuyển là người ngoại tỉnh đi theo các lối mòn sang chợ Lũng Vài (Trung Quốc) mua pháo rồi thuê người vận chuyển qua biên giới.
Thượng tá Ninh Văn Hợp, Trưởng đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết, các đối tượng buôn lậu thường vận chuyển hàng cấm, hàng buôn lậu bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như cất giấu pháo lẫn với các loại hàng hóa, mang vác qua đường mòn biên giới, sau đó sử dụng các loại phương tiện giao thông để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Các đối tượng này cũng tranh thủ thời điểm lực lượng chức năng thay ca trực để thuê cửu vạn là cư dân biên giới xé lẻ hàng hóa, lén lút vận chuyển qua các đường mòn, lối tắt hai bên cánh gà cửa khẩu để tập trung hàng. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của chúng rất tinh vi, một vụ thường có nhiều đối tượng tham gia và luôn thay đổi quy luật, thời gian, để tránh bị truy bắt.
Xây tường đá, hàng rào thép gai… chống buôn lậu
Không chỉ có pháo lậu, tại thời điểm này việc vận chuyển, buôn bán các loại hàng lậu như rượu, bia, thuốc lá, quần áo may sẵn, giày dép qua biên giới tỉnh Lạng Sơn cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Đường đi của những mặt hàng trôi nổi này khá phức tạp. Phần lớn các loại hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, được các chủ đầu nậu thuê vận chuyển, mang vác từ lối mòn, hai bên cánh gà khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (Văn Lãng), cửa khẩu Hữu Nghị, Bảo Lâm (Cao Lộc), được tập kết về "tổng kho" tại thị trấn Ðồng Đăng. Từ đây, hàng hóa được hợp thức bằng các hóa đơn chứng từ để chuyển đi tiêu thụ trong khu vực nội địa.
Để chống buôn lậu, tỉnh Lạng Sơn đã cho xây dựng tường đá và rào dây thép gai ở một số điểm trên khu vực biên giới có diễn biến phức tạp, đồng thời tổ chức chốt chặn 24/24h tại một số tuyến đường mòn trọng điểm. Ông Hoàng Văn Đoàn, cán bộ hải quan cho biết, để xóa tụ điểm Hang Dơi, nửa năm trở lại đây các lực lượng chức năng đã xây dựng một bức tường đá cao khoảng 3m chắn ngang lối mòn đường vận chuyển hàng lậu. Sau khi áp dụng biện pháp này, cộng thêm việc bố trí cán bộ chốt chặn thường xuyên, tình trạng "tuồn" hàng lậu qua Hang Dơi gần như không còn. Khu vực thuộc quản lý Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cũng đã có điểm được lắp hàng rào dây thép gai để ngăn chặn hàng lậu. Đặc biệt, tại khu vực Bãi Gianh, bản Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng - một trong những điểm nóng gia cầm nhập lậu, sau khi có hàng rào thép gai tình hình đã từng bước được ngăn chặn.
Ông Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, với nhiều biện pháp triển khai trong thời gian qua, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu đã giảm nhiều cả về số lượng, quy mô, giá trị hàng hóa so với năm 2012 và những năm trước. Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã vào cuộc không để hình thành những đường dây, tụ điểm lớn về buôn lậu trên địa bàn tỉnh. Việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu chỉ diễn ra nhỏ lẻ tại một số đường mòn thuộc khu vực Chi Ma (huyện Lộc Bình); thị trấn Đồng Đăng, xã Bảo Lâm (huyện Cao Lộc) và khu vực Nà Nưa (huyện Tràng Định). Trong năm 2013, các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại của tỉnh đã kiểm tra, xử lý hơn 3.500 vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, trị giá hàng hóa tịch thu hơn 53 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh, càng sát Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu sẽ diễn biến phức tạp.
Lạng Sơn luôn được xác định là điểm nóng về buôn lậu ở khu vực biên giới phía bắc. Địa hình đồi núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, trong khi đó lực lượng mỏng, trang thiết bị, phương tiện còn thiếu thốn nên các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh luôn phải căng mình trên mọi tuyến đường tiểu ngạch. Để chặn đứng tình trạng buôn lậu và chống gian lận thương mại trên địa bàn các tỉnh biên giới phía bắc, công tác phòng chống phải được thực hiện kiên quyết ngay từ biên giới, trên các tuyến đường về các tỉnh và tại nơi tiêu thụ, "đánh" mạnh cả "đầu vào" và "đầu ra". Bởi trên thực tế, việc kiểm tra, chốt chặn khu vực vùng biên mới chỉ giải quyết được phần ngọn; việc phát hiện, xử lý triệt để các đường dây, ổ nhóm, đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại trong khu vực nội địa mới là yếu tố quyết định để chặt đứt những cánh tay nối dài trong hoạt động buôn lậu. Và để làm được việc này, ngoài nỗ lực của các tỉnh vùng biên rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng, các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Ngày 2-1, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, địa bàn để có biện pháp phối hợp đấu tranh hiệu quả nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống buôn lậu; luân chuyển, điều động, xử lý nghiêm mọi biểu hiện vi phạm, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại; khen thưởng kịp thời cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực thi công vụ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.