(HNMO) – 3 vấn đề được các đại biểu HĐND Thành phố đưa ra chất vấn sáng 14/7 là việc quản lý internet, các trò chơi trực tuyến độc hại; dạy nghề, tạo việc làm cho người nông dân ở những vùng bị lấy đất để chuyển đổi mục đích sử dụng và việc phát triển, quản lý hệ thống giao thông.
Phiên chất vấn có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị.
Sẽ đề nghị các DN cung cấp game online đến 23h hàng ngày là cắt đườngtruyền
Chất vấn Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Phạm Quốc Bản những vấn đề liên quan đến quản lý ngành về hoạt động internet, trò chơi trực tuyến có các đại biểu Vũ Đức Tân, Ngô Văn Ny, Bùi Thị An, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Đức Biền, Lê Quang Nhuệ…
Chia sẻ với Giám đốc Sở về cái khó trong việc hạn chế các trò chơi trực tuyến độc hại, đại biểu Vũ Đức Tân cho rằng, không thể dùng biện pháp hành chính để hạn chế. Hà Nội phải sản xuất được các game “sạch”, có hướng dẫn nhất định, có sự phối hợp đồng bộ từ nhà trường tới gia đình… thì mới giải quyết được vấn đề.
Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Bản cho biết, để Hà Nội tự sản xuất được các trò chơi lành mạnh, hấp dẫn tại thời điểm này là rất khó. Thành phố đã gặp gỡ với các nhà sản xuất nhưng họ cũng nói thẳng là hiện chưa đủ năng lực và cũng chưa tìm được kịch bản hay.
Giám đốc Sở TT&TT cũng khẳng định, quản lý Nhà nước về lĩnh vực game online, internet, trách nhiệm chính là thuộc Sở, nhưng các chế tài quản lý hiện có rất nhiều bất cập, Sở đang nghiên cứu xây dựng, đề xuất lại cho phù hợp.
Về việc kiểm tra các đại lý internet trong phạm vi 200m quanh các trường học (theo quy định là không được phép hoạt động), Giám đốc Sở cho biết, đến 30/7 sẽ có số liệu chính thức về số cơ sở vi phạm.
Liên quan đến các giải pháp để hạn chế những tác hại tiêu cực của internet và trò chơi trực tuyến, theo Giám đốc Sở TT&TT, trước mắt, Hà Nội sẽ đề nghị các đơn vị cung cấp các trò chơi trực tuyến đến 23h hàng ngày là phải cắt đường truyền về các đại lý internet, đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra để xử lý các cơ sở vi phạm.
“Đây là cách tốt nhất nhưng cũng cần tích cực phối hợp với công tác tuyên truyền”, ông Phạm Quốc Bản nói.
Làm rõ thêm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Thanh Hằng cũng cho biết, trong năm 2009 vừa qua, UBND TP đã ban hành 3 văn bản quy định về việc quản lý hoạt động kinh doanh internet, trong đó nêu rất rõ trách nhiệm từng đơn vị, cơ sở. Tuy nhiên, Phó chủ tịch cũng thừa nhận những tồn tại hiện có và cho rằng, để giải quyết được vấn đề thì cần có sự đồng bộ và trách nhiệm của cả gia đình, xã hội.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Giám đốc Sở TT&TT, đại biểu Lê Quang Nhuệ, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố cho rằng, trách nhiệm chính trong quản lý internet, game online là của chính quyền địa phương, của Sở, không thể vì lý do các đơn vị kinh doanh trò chơi trực tuyến, internet là do Bộ TT&TT cấp phép thì Thành phố không xử lý được.
“Chúng ta kiểm điểm chưa đúng trách nhiệm… Ở đây có trách nhiệm của HĐND, các cấp chính quyền, phải sửa sai chỗ này”, ông Nhuệ nói.
Đại biểu Nhuệ đề nghị, Thành phố phải cương quyết xử lý, cả Sở TT&TT cùng 29 quận, huyện phải vào cuộc ngay, không thể chờ thanh tra, nghiên cứu… rồi mới quyết định.
Sẽ đào tạo những nghề thật thiết thực
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Đình Đức cho biết, ước tính Hà Nội hiện có khoảng 40.000 lao động bị thu hồi đất có nhu cầu tạo việc làm. Theo số liệu chưa được cập nhật thường xuyên, khoảng 65-70% số người sau khi được học nghề đã có việc làm.
Tuy nhiên, những con số này chưa làm đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Bùi Thị An… hài lòng vì thực tế, tỷ lệ số lao động bị thu hồi đất được dạy nghề rất thấp, chỉ đạt 5,6% trên tổng số lao động được đào tạo nghề của toàn Thành phố. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo ông Nguyễn Đình Đức, nguyên nhân tỷ lệ này thấp là do người nông dân vừa bị thu hồi đất qua điều tra hầu như không có nhu cầu để được đào tạo nghề nên họ không đăng ký nguyện vọng học nghề. Thực tế là họ vừa được đền bù một khoản tiền lớn, nên không quá lo lắng về kinh tế… vì vậy mà chưa thiết tha tìm việc.
Tuy nhiên, còn yếu tố nữa là do công tác tuyên truyền của Thành phố còn hạn chế, chưa giúp người lao động nhìn thấy được tương lai của họ sau khi được học nghề.
Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, thời gian tới, Sở sẽ chú trọng điều tra kỹ nhu cầu của người lao động, đào tạo những nghề thật thiết thực, phù hợp thị hiếu, tâm lý người lao động, tập trung đào tạo những nghề có thời gian đào tạo ngắn để người học có thể sớm ra hành nghề…, đồng thời, tăng cường trang thiết bị cho các trung tâm dạy nghề, thường xuyên có dự báo chính xác về tương lai của nghề đào tạo…
Chậm nhất 15/8, mọi công việc chỉnh trang phải hoàn thành
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong thời gian qua, Thành phố đã tập trung phát triển hệ thống giao thông Thành phố bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, các dự án đều chậm tiến độ, chủ yếu do vướng khâu GPMB, giá bồi thường chưa sát thị trường. Về hiệu quả đầu tư, Giám đốc Sở khẳng định, các dự án đều đảm bảo tuân thủ đúng quy định, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển KTXH của Thủ đô.
Liên quan đến vấn nạn tắc đường, Giám đốc Sở cho biết, đầu năm 2009, trên địa bàn Thành phố có 124 điểm nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông. Giữa năm 2009, số điểm nguy cơ ùn tắc giao thông giảm xuống 91 điểm. Đến nay, đã xóa 66/124 điểm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian thông qua các nút của các phương tiện giao thông.
Cũng theo Giám đốc Sở, việc bịt ngã 3, ngã 4 (áp dụng đảo giao thông hình elip dẹt) thời gian vừa qua cũng là một trong những giải pháp giảm ùn tắc. Tuy nhiên, do lưu lượng giao thông lớn nên tại một số điểm quay đầu có hiện tượng ùn ứ. Đầu tháng 6 vừa qua, Thành phố đã có điều chỉnh tại 3 nút bịt trên tuyến đường La Thành nhưng năng lực giao thông sau khi bỏ rào chặn, khôi phục lại các đèn tín hiệu, cắm biển cấm ô tô quay đầu tại ngã 3, ngã tư… vẫn chưa được đảm bảo. Sở đang phối hợp cùng các đơn vị lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân để tìm ra phương án tối ưu hơn.
Ngoài ra, để hạn chế ùn tắc, Sở cũng đã phối hợp cùng các đơn vị xây dựng các đồ án khác đảm bảo giao thông, phát huy các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân.
Giám đốc Sở cũng tiếp thu góp ý của một số đại biểu là việc Thành phố dùng những xe buýt to, dài hoạt động trên các tuyến phố hẹp, nhỏ… cũng là một nguyên nhân gây ùn tắc. Giám đốc Sở cho biết, Thành phố sẽ có điều chỉnh để xe buýt lớn sẽ chủ yếu hoạt động trên những tuyến phố lớn, còn phố nhỏ thì dùng xe nhỏ.
Trước chất vấn của các đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Vũ Đức Tân, Phạm Thị Thành, Đào Xuân Mùi, Tô Yên Khánh… về việc chỉnh trang các tuyến phố, hè, đường chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội gây lãng phí vì chất lượng các công trình rất kém, Giám đốc Sở GTVT đã tiếp thu và hứa sẽ phối hợp cùng Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra và xử lý, yêu cầu đơn vị thi công và chủ đầu tư khắc phục.
“Do các dự án được nhiều chủ đầu tư thực hiện nên cũng có tình trạng không đồng bộ. Chậm nhất 15/8, mọi công tác chỉnh trang phải hoàn thành”, Giám đốc Sở cho biết.
Về việc có thực hiện hay không dự án cải tạo vỉa hè dọc con đường gốm sứ, Giám đốc Sở khẳng định, dự án sẽ được triển khai nhưng do tiến độ gấp nên phải sau 10/10 mới tiến hành.
Khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND Thành phố nhận xét, với nhiều ý kiến chất vấn và tái chất vấn, 3 vấn đề được chọn đưa ra chất vấn đã chứng minh đó là những nội dung nóng, được nhiều cử tri và đại biểu Hà Nội quan tâm. Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị, các thành viên UBND Thành phố thực hiện ngay những nội dung đã trả lời tại phiên chất vấn hôm nay và có báo cáo vào kỳ họp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.