(HNM) - Năm 2021 là dấu mốc kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021). Nhân dịp này, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định: Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và tổ chức hội nạn nhân chất độc da cam các cấp luôn chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.
Những hoạt động nghĩa tình, vì nạn nhân chất độc da cam
- Trước tiên, xin ông cho biết, chất độc da cam/dioxin để lại hậu quả thế nào đối với sức khỏe con người?
- Cách đây tròn 60 năm, ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ thực hiện chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam. Từ đó đến cuối năm 1971, một diện tích lớn ở miền Nam nước ta phải hứng chịu tổng cộng gần 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó khoảng 61% là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin - chất độc nhất mà con người từng biết đến. Chất độc da cam/dioxin đã làm khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau da cam vẫn tồn tại nặng nề, dai dẳng. Hiện tại, ngoài số nạn nhân là người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, cả nước còn khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và đã có nạn nhân thế hệ thứ 4 phải gánh chịu nỗi đau này.
- Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Các chính sách này đi vào cuộc sống góp phần trợ giúp những nạn nhân chất độc da cam ra sao, thưa ông?
- Việc quan tâm, chăm lo đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nói chung, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân chất độc da cam nói riêng ở nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm. Nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc da cam đã được triển khai, thực hiện thường xuyên. Nổi bật là chính sách đối với việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin theo Thông báo số 69-TB/TƯ, ngày 5-7-2002 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 43-CT/TƯ ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”… Trong những năm qua, mỗi năm, Nhà nước đã dành ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam.
Đặc biệt, từ khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập (ngày 10-1-2004) và đi vào hoạt động, Hội luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao; chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách đối với nạn nhân, nỗ lực vận động nguồn lực hỗ trợ, giúp nạn nhân và gia đình vơi bớt khó khăn, vượt khó vươn lên, xóa đói giảm nghèo, hòa nhập cộng đồng.
- Ông có thể cho biết rõ hơn về vị trí, vai trò của tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin?
- Sau hơn 17 năm xây dựng và hoạt động, đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được thành lập ở trung ương và tổ chức hội ở 63 tỉnh, thành phố; hơn 600 quận, huyện, thị xã; hơn 6.700 xã, phường, thị trấn với hơn 400.000 hội viên.
Phát huy truyền thống “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, các cấp Hội đã làm tròn nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao là chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt, các cấp hội đã làm nòng cốt thực hiện tốt phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Theo thống kê, đến nay, các cấp hội đã vận động được số tiền và hiện vật tổng trị giá hơn 2.660 tỷ đồng. Nguồn lực này đã đầu tư xây dựng gần 7.000 nhà tình nghĩa, trao gần 12.000 suất học bổng; duy trì hoạt động của 26 Trung tâm Bảo trợ xã hội dành cho nạn nhân chất độc da cam... Cùng với đó, Hội luôn đồng hành và thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần “tương thân, tương ái“
- Trong những năm qua, chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Thời gian tới, cuộc đấu tranh này sẽ tiếp tục được triển khai thế nào, thưa ông?
- Việc tiến hành kiện các công ty hóa chất của Mỹ là một nội dung của cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam nước ta. Vì thế, chúng ta sẽ kiên trì đấu tranh, yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Thực hiện chủ trương đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức, cá nhân kiên trì đấu tranh bằng các phương thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và thông lệ quốc tế. Đồng thời, phối hợp đồng bộ các phương thức, lực lượng trong nước và quốc tế, bằng cả ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân với biện pháp, bước đi phù hợp để đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam.
- Theo ông, các địa phương, nhất là các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần làm gì để tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân hiệu quả hơn?
- Các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh. Nội dung cần được chú trọng là quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43-CT/TƯ, ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác giải quyết chính sách người có công với cách mạng và người khuyết tật trong tình hình mới. Đặc biệt, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần “tương thân, tương ái”, đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, tăng cường vận động nguồn lực cả trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh cùng cấp rà soát, thẩm định hồ sơ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã có đủ điều kiện, nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách theo quy định. Cùng với đó, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cần đẩy mạnh công tác chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nạn nhân chất độc da cam/dioxin; phấn đấu đạt mục tiêu 100% người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm được hưởng chính sách ưu đãi…
- Năm nay là dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021). Nhân sự kiện này ông có chia sẻ gì gửi tới các nạn nhân chất độc da cam, cùng các cấp, ngành, địa phương trên cả nước?
- Hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam còn hết sức nặng nề, lâu dài. Vì vậy, tôi mong cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; các tổ chức, cá nhân quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, bệnh tật, hòa nhập cộng đồng. Đó vừa là truyền thống, đạo lý của dân tộc, vừa là trách nhiệm, nghĩa tình của cộng đồng xã hội.
Tôi tin tưởng với sự giúp đỡ đó, các nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ sẽ vươn lên ổn định cuộc sống, nỗi đau da cam sẽ vơi dần theo năm tháng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.