Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăm lo cho công nhân

Hà Trang| 03/05/2023 06:03

(HNM) - Giai cấp công nhân là lực lượng đặc biệt quan trọng duy trì và phát triển sản xuất, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm công nghiệp, góp phần làm nên thành tựu to lớn trong xây dựng đất nước. Những năm qua, việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân luôn được quan tâm. Nhà nước đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách về việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở, hệ thống chính sách bảo hiểm, bảo trợ thất nghiệp...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân hiện còn nhiều hạn chế như hệ thống hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp như nhà ở, nhà văn hóa, khu thể thao, nhà trẻ… chậm được xây dựng, thiếu đồng bộ. Ở một số nơi, đời sống tinh thần công nhân nghèo nàn đến mức nhiều người phàn nàn là “vòng đời” của họ chỉ là quãng đường từ công ty về nhà trọ, hết giờ làm nhiều người chỉ biết ngủ để sáng hôm sau tiếp tục ngày làm việc mới.

Khảo sát mới đây tại liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, chỉ có 28% doanh nghiệp trên cả nước tổ chức các cuộc giao lưu nghệ thuật, hội diễn văn nghệ; 31% doanh nghiệp tổ chức hoạt động thể thao; 21% doanh nghiệp duy trì hoạt động các câu lạc bộ... cho người lao động. Đáng lo hơn là có tới 60% công nhân ở các khu công nghiệp không xem ti vi, nghe đài; 85% không đọc sách, báo; 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên; 65% không tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng và có tới 28% công nhân có xu hướng và lối sống buông thả, thực dụng...

Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân là chủ trương nhất quán, nhằm tạo động lực vật chất, tinh thần cho giai cấp công nhân phát triển. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, thời gian tới, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, cơ chế, quy định liên quan đến quyền, lợi ích của công nhân. Đặc biệt là tiến hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung những điểm còn bất hợp lý, chưa sát với thực tế cuộc sống của công nhân.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển các công trình phúc lợi, siêu thị, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao phục vụ người lao động và gia đình, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân. Bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho người lao động ở tất cả mọi nơi, theo đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ phát động Tháng công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo viên các cơ sở dạy nghề, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách về nhà ở, việc làm, chính sách lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho đội ngũ công nhân.

Chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ công nhân hiện đại, lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăm lo cho công nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.