(HNM) - Đang có sự lo lắng âm ỉ từ phía một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, bởi trong những ngày qua, truyền thông liên tục phân tích khả năng một số nhà cung cấp sẽ phải chịu cảnh sáp nhập hoặc chuyển giao nếu không bảo đảm được năng lực tài chính, khả năng công nghệ, nhân lực, quy mô cung cấp dịch vụ… Xuất phát điểm của nỗi lo nói trên là thông tin về khả năng cơ quan quản lý sẽ thực hiện quy hoạch mạng lưới truyền hình trả tiền ở Việt Nam - một giải pháp được cho là sẽ góp phần chấm dứt tình trạng lộn xộn trong lĩnh vực này.
Đã có thông tin thể hiện sự đồng tình với việc quy hoạch lại, nhưng cũng có ý kiến băn khoăn vì việc "tiêu chuẩn hóa" đối với nhà cung cấp dịch vụ có thể khiến một số doanh nghiệp quy mô nhỏ phải rút khỏi thị trường dù họ đã bỏ tiền (nhiều tiền) đầu tư ban đầu. Có người tỏ ý lo ngại rằng sự "tinh giản" vô hình trung khuyến khích một số "đại gia" thâu tóm thị trường, dẫn đến sự độc quyền, nói cách khác là làm giảm khả năng cạnh tranh lành mạnh, không có lợi đối với người xem truyền hình…
Vậy thì có nên "quy hoạch lại"?
Chắc chắn là phải tìm cách chấm dứt tình trạng "nhà nhà làm truyền hình trả tiền", mạnh ai nấy chạy như hiện nay. Theo những số liệu được các cơ quan truyền thông viện dẫn trong thời gian gần đây, cả nước hiện có gần 50 đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và trong số đó chỉ có một số nhỏ là đủ tiềm lực kiểm soát thị trường toàn quốc. Nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ "bán lẻ", nghĩa là chỉ cung cấp dịch vụ vỏn vẹn trên địa bàn một tỉnh nào đó, thậm chí là ở diện hẹp hơn nữa. Cái sự manh mún ấy ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cung cấp dịch vụ bởi các đơn vị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật thường phải nghĩ cách thu hồi vốn nhanh, đặc biệt là với những nhà cung cấp có chỉ số thuê bao thấp - có khi chỉ ở mức vài chục nghìn. Cách cung cấp dịch vụ, trong trường hợp của các doanh nghiệp tiềm lực hạn chế nói trên thường là gom một số kênh truyền hình quảng bá của trung ương và địa phương, thêm ít kênh phim truyện, thể thao, giải trí, khoa giáo thuộc diện "kém tiếng" rồi đàng hoàng thu tiền hằng tháng của thuê bao. Kết quả là tại một số địa phương, dịch vụ truyền hình trả tiền bị người dân chê kém chất lượng, "có, mà gần như không".
Sự nở rộ nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tất yếu nảy sinh tình trạng cạnh tranh không đàng hoàng, dễ thấy nhất là nạn độc quyền, cát cứ địa bàn. Không cứ các tỉnh vùng xa, ở thành phố lớn vẫn có chuyện nơi này chỉ xem được "cáp" này, nơi khác "chuyên" loại kia, người xem không có quyền lựa chọn. Mang tiếng là có nhiều nhà cung cấp dịch vụ nhưng các "món" đưa ra na ná nhau do nhiều đơn vị không có khả năng sản xuất chương trình, cách duy nhất để tồn tại là mua chương trình của "hàng xóm" rồi về "bán lại". Đó là chưa kể chuyện tranh mua bản quyền nước ngoài, lợi riêng - hại chung.
Tinh gọn hệ thống cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là việc nên tính đến, tất nhiên là dựa trên sự minh bạch, trao cơ hội cho tất cả những ai đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Việc quy hoạch cần hướng tới mục tiêu tổng thể, không chỉ là xác định những đơn vị đủ năng lực để được quyền cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng truyền hình trả tiền, mà cần cả giải pháp hạ tầng kỹ thuật nhằm trao trả quyền được lựa chọn dùng thứ mình thấy là phù hợp cho người dân.
Nói vậy là bởi lâu nay đã có ý kiến rằng người Việt Nam chưa có thói quen trả tiền để được xem chương trình truyền hình mà mình thích. Ý kiến đó là không đúng. Bởi, thực tế là các nhà cung cấp dịch vụ hiện có tới vài triệu thuê bao. Điều mà người xem truyền hình đòi hỏi không phải là xem "chùa", mà là sự tôn trọng họ từ phía các nhà cung cấp dịch vụ - bằng cách cho họ quyền được chọn lựa, không bị "bán đi bán lại" giữa các nhà cung cấp dịch vụ chỉ vì ai đó muốn tiêu thụ một ít đầu thu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.