(HNM) - Ngoài thực phẩm, đồ uống không thể thiếu được trong những ngày tết. Khách đến nhà mà không mời lon bia, chén rượu xem ra xuân không nồng. Còn trẻ nhỏ không có lon nước ngọt xem ra chúng không vui. Nhưng chuyện đồ uống dịp Tết Quý Tỵ này có điều bất bình thường.
Nhiều người còn nhớ, hồi tháng 12-2012, các phương tiện truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin, 10 năm nay, Coca Cola Việt Nam không nộp ngân sách một đồng nào vì năm nào họ cũng báo lỗ. Lạ là thua lỗ nhưng họ vẫn công bố sẽ đầu tư xây thêm nhà máy ở Việt Nam. Trò thua lỗ mà họ giở ra tại thị trường Việt Nam cũng là trò họ đã diễn ở các nước khác khi 70% giá thành của lon nước là nguyên phụ liệu do chính công ty mẹ cung cấp. Tuy nhiên ở nhiều nước có các loại nước ngọt tương ứng đóng lon do trong nước họ sản xuất nên người tiêu dùng còn tìm được đồ uống thay thế. Trong khi đó ở nước ta lại rất ít. 10 năm Coca Cola Việt Nam báo lỗ không đóng thuế thì cũng 10 năm nay, chẳng ai có lỗi. Ngày tết mà không có két Coca Cola cho con trẻ xem ra không ổn nên nhiều bậc phụ huynh đành phải mua trong sự ấm ức vì tiếp tục làm giàu cho kẻ có biểu hiện phù phép, vi phạm đạo đức kinh doanh.
Với bia thì sao? Lợi dụng việc Nhà nước tăng thêm 5% thuế tiêu thụ (từ 45 lên 50%) áp dụng từ ngày 1-1-2013, các nhà máy bia thi nhau tăng giá. Nhãn bia Heineken tăng vài chục nghìn một thùng, Tiger cũng không chịu thua kém, rồi đến các nhãn hiệu bia nội địa, lý do tăng giá rất phi lý: Khan hiếm hàng trong khi khách hàng muốn mua bao nhiêu cũng có! Tương tự là các loại bia nhập từ nước ngoài cũng theo chân bia trong nước tăng giá khi thuế nhập khẩu không hề tăng và Châu Âu, xứ sở của các loại bia đang ngập trong khủng hoảng kinh tế. Với các nhà sản xuất bia, tết là cơ hội kinh doanh tốt nhất trong năm, nhưng khi giá nguyên liệu không biến động thì việc tăng giá là hành động móc túi người tiêu dùng. Và rằng tết không thể không có bia nên người tiêu dùng đành mua trong sự ấm ức.
Còn rượu thì có quá nhiều điều đáng nói . Nhẽ ra các làng nghề phải nấu rượu theo công thức cổ truyền nhưng không ít cơ sở đã sử dụng cồn để pha chế, lại có nơi cơ quan quản lý thị trường phát hiện họ dùng hóa chất pha với nước lã và thực tế đã có người uống loại rượu "truyền thống rởm" này bị tử vong hay đổ bệnh. Với rượu nội đóng chai thì thật giả lẫn lộn, chẳng có chuẩn nào để phân biệt. Không mua thì không có gì uống, mà mua thì ấm ức vì bỏ tiền ra nhưng không biết đâu là thật, đâu là giả?
Với rượu ngoại, theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thì có tới 60% tem rượu là tem giả và quay vòng. Điều đó cho thấy một số lượng lớn rượu ngoại được nhập lậu. Nhập lậu đã làm Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tết bây giờ "ăn đi xuống, uống đi lên", câu nói không chỉ cho thấy thực tế ăn tết hiện nay mà còn chỉ ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước. "Uống đi lên", nhưng uống trong sự ấm ức xem ra có lỗi của các cơ quan chức năng và của cả doanh nghiệp. Bởi vậy, dư luận cho rằng những chuyện bất bình thường trên cần phải sớm chấm dứt, để dân ta được đón tết trong không khí vui tươi, lành mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.