Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấm dứt “cơn sốt” tăng lãi suất

Hà Linh| 25/07/2017 07:34

(HNM) - Trái với dự đoán về cuộc đua lãi suất mới, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành đã chấm dứt

Khách hàng giao dịch tại HDBank. Ảnh: Hải Linh


Đồng loạt giảm lãi suất

Mới đây, việc xảy ra hiện tượng hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động VND khiến không ít người lo ngại về một cuộc đua lãi suất mới sẽ diễn ra. Lãi suất huy động VND từng bị đẩy lên hơn 8%/năm cho các kỳ hạn dài, nên lãi suất cho vay cũng vì thế mà nhích dần. Trong bối cảnh doanh nghiệp vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, lãi suất có nguy cơ tăng sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh khó có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cuộc đua lãi suất đó không kéo dài và không diễn ra trên toàn hệ thống, chỉ sau thời gian ngắn, tình trạng đã chấm dứt, lãi suất đã ổn định trở lại. Đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố những quy định mới về việc điều chỉnh một số lãi suất điều hành, "làn sóng" tăng lãi suất từ các ngân hàng đã bị chặn lại.

Theo quy định mới từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại giảm 0,25%/năm. Ngân hàng Nhà nước cũng cắt giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Như vậy, sau khi duy trì các mức lãi suất điều hành hơn 2 năm, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định thay đổi. Với quy định mới này, các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định này, từ những ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đến các ngân hàng thương mại cổ phần LienVietPostBank, VPBank, SHB... đều điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng giảm. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn với những lĩnh vực ưu tiên hiện phổ biến mức 6,5%/năm.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho biết, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về vốn dù có phương án kinh doanh khả thi, kế hoạch trả nợ hợp lý. Bởi vậy, SHB đã giảm lãi suất của các khoản vay ngắn hạn VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với các khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyết định giảm lãi suất lần này của ngân hàng sẽ giúp các khách hàng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, biến những dự án đang còn trên giấy thành cơ hội tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.

Tiền phải "chảy" vào doanh nghiệp khởi nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực khi đưa ra quyết định giảm lãi suất, song thời gian tới để hiệu ứng chính sách được xuyên suốt phải đồng bộ các giải pháp. Đó là, quyết liệt trong xử lý nợ xấu vì nếu nợ xấu không giảm sẽ khó giảm lãi suất. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất. Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng cho rằng, có cơ sở cho việc giảm lãi suất vì lạm phát 6 tháng đầu năm nay ở mức thấp. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát toàn phần của Việt Nam giảm sâu trong quý II, trái ngược với xu hướng gia tăng kể từ cuối năm 2015. Việc giảm lãi suất cho vay, nhưng giữ nguyên trần lãi suất huy động là cách làm thận trọng và đúng đắn. Nếu giảm lãi cho vay và giảm cả lãi suất huy động sẽ khiến dòng tiền “chảy” sang nhiều kênh khác thay vì gửi ngân hàng.

Hầu hết đại diện các doanh nghiệp cũng đánh giá cao quyết định giảm lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước, chặn đứng nguy cơ của một cuộc đua lãi suất huy động, dẫn đến lãi suất cho vay có thể tăng cao, gây áp lực lên doanh nghiệp. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước. Theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước có sự chủ động linh hoạt thành công, thể hiện qua lãi suất, tỷ giá ổn định, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh. Mặt bằng lãi suất cho vay ổn định hơn, có thời điểm giảm. Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng khá tốt, huy động cũng tăng, dự nợ cũng tăng; mục tiêu tăng trưởng tín dụng tập trung hướng vào sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt lại các vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giải trình và có các hướng giải quyết. Trong đó, tăng trưởng tín dụng, hạ lãi suất cho vay là vấn đề quan trọng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng phải đạt được 18-20%. Huy động không nên chảy vào một số "đại gia" lớn, mà dòng tiền phải chảy vào doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, muốn hạ lãi suất phải xử lý nợ xấu, nhưng xử lý nợ xấu không phải một chốc một lát, mà cần phải có lộ trình. Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ quan trọng là phải tổ chức thực hiện đúng tinh thần của nghị quyết, có hướng dẫn cụ thể các tổ chức tín dụng từ việc bán tài sản bảo đảm, bán nợ xấu. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực trong dân. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có chủ trương quyết liệt chống đô la hóa, nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát, cần huy động được nguồn lực này, vì Việt Nam vẫn phải mua trái phiếu quốc tế với lãi suất hơn 4%/năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chấm dứt “cơn sốt” tăng lãi suất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.