Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấm dứt chuyện ”bắt cóc bỏ đĩa”

Thế Phương| 03/10/2013 05:11

(HNM) - Từ hàng công nghệ cao, thuốc chữa bệnh, sách vở, quần áo đến những chiếc tăm tre, bất cứ thương hiệu nào, bất cứ mặt hàng gì nếu bán chạy trên thị trường, lập tức có hàng giả, hàng nhái.



Sau hàng loạt vụ việc, mới đây chuyện phân bón giả chất lượng như... đất, một lần nữa lại làm xôn xao dư luận. Có thể nói, không riêng nạn phân bón giả đang từng ngày móc túi nhà nông, tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng nói chung từ lâu đã trở thành vấn nạn trong đời sống xã hội, gây bức xúc cho người tiêu dùng, làm tổn hại tiền bạc, thanh danh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thế nhưng việc xử lý thì như người ta vẫn nói...: "Bắt cóc bỏ đĩa"! Đến bao giờ vấn nạn này mới có thể chấm dứt?

Mới đây, Bộ Công thương đưa ra một con số khiến người tiêu dùng và các nhà quản lý không khỏi hoang mang. Trong năm 2012 và 8 tháng năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 5.372 vụ, xử lý 1.390 vụ với tổng tiền phạt là 17,2 tỷ đồng, tịch thu 917 tấn phân bón các loại. Trong đó có những lô phân bón giả chất lượng chỉ ngang với đất. Điều đáng nói hơn là đã xuất hiện nhiều vụ việc lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài. Không chỉ các cơ sở sản xuất kinh doanh, tư thương buôn bán nhỏ lẻ, không ít hộ nông dân đã mua tích trữ phân bón giá rẻ với số lượng lớn, trong đó có hàng giả rồi bán ra thị trường.

Cũng theo các cơ quan chức năng, giới sản xuất kinh doanh phân bón "rởm" không chỉ lợi dụng địa hình biên giới để nhập lậu, đánh tráo bao bì gốc để qua mắt cơ quan quản lý, hợp thức hóa đơn, chứng từ đưa vào nội địa mà còn thuê địa điểm sản xuất ở nơi hẻo lánh, xa dân cư, nơi các cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo để sản xuất phân bón giả. Thậm chí, có cơ sở còn trộn gạch non, bột đá rồi thuê in bao bì, nhãn mác... sau đó tung ra thị trường. Thủ đoạn trên không mới nhưng vì sao vẫn diễn ra với mức độ vi phạm ngày càng tăng?

Nguyên nhân có nhiều nhưng tựu trung lại, tình trạng nêu trên chưa chấm dứt do chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; còn nhiều kẽ hở trong quản lý như các văn bản pháp luật thiếu chặt chẽ; việc cấp phép sản xuất, kinh doanh phân bón còn lỏng lẻo... Có thể nêu ví dụ: Điều 158 Bộ luật Hình sự quy định hành vi sản xuất phân bón giả bị xử lý hình sự nếu người sản xuất, buôn bán phân bón giả với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng... Thế nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng lớn. Chưa kể việc giám định chất lượng phân bón gặp không ít khó khăn về kinh phí...

Vậy làm thế nào để đẩy lùi vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng? Để tránh tình trạng "cha chung không ai khóc" cần có một "nhạc trưởng" chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý phân bón; đồng thời, cơ quan chức năng cần xây dựng các quy định hết sức cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, về việc cấp phép sản xuất phân bón; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón và tăng cường kiểm soát, quản lý thị trường... Trước mắt, các ngành chức năng cần sớm phối hợp mở một chiến dịch tấn công những điểm "nóng", truy quét những cơ sở, đại lý sản xuất pha trộn, kinh doanh phân bón bất hợp pháp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chấm dứt chuyện ”bắt cóc bỏ đĩa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.