(HNM) - Có lẽ không cần bàn nhiều thì ai cũng hiểu để có một thị trường nhân lực có chất lượng, yếu tố đầu tiên xuất phát từ đào tạo. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay có nhiều sinh viên ra trường chưa đáp ứng được các tiêu chí mà nhà tuyển dụng đặt ra.
Thực tế này chắc chắn ít người phủ nhận. Chính vì thế, việc xây dựng một đội ngũ lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường đang là đòi hỏi bức xúc, nhưng cũng là vấn đề khá nan giải. Về chất lượng lao động "xuất thân" từ các trường ĐH, CĐ và dạy nghề, chúng ta đều phải thừa nhận rằng hệ thống đào tạo hiện chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhận xét đào tạo ở nước ta hiện mang tính "học thuật cao, nhưng xa rời thực tế" chắc chắn sẽ bị một số người làm công tác giáo dục cho là phiến diện, tuy nhiên đánh giá, nhìn nhận của các nhà tuyển dụng đã khẳng định quan điểm này. Và sự thực, nếu chỉ so sánh với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia thì chất lượng lao động của Việt Nam cũng mới chỉ bằng 1/5 đến 2/5 (tính về hiệu suất lao động, năng lực thực tế...). Cái chính ở đây là chúng ta đang thiếu một chiến lược và một chương trình đào tạo bài bản, việc đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng, chưa gắn với thực tiễn. Quá trình xã hội hóa giáo dục dường như cũng góp phần không nhỏ làm cho chất lượng đào tạo bị giảm sút. Điều dễ nhận thấy nhất chính là lúc này các trường ĐH, CĐ đang cố gắng giành giật sinh viên, bất chấp khả năng, kiến thức của người được tuyển như thế nào. Nói cách khác, đó là sự "vơ bèo, vạt tép", miễn sao cho đủ chỉ tiêu, đủ để không… lỗ vốn. Với tư duy như vậy, chắc chắn những người tổ chức đào tạo sẽ không thể hoàn thành trách nhiệm với hiệu quả cao nhất công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Trong đào tạo nói chung, đào tạo nghề nói riêng, phải nhìn thấy trước được nhu cầu xã hội, tức là thấy trước được tương lai của thị trường, dự đoán được nền kinh tế sẽ như thế nào, cần lao động ra sao… để từ đó xây dựng được chiến lược đào tạo gắn với nhu cầu thực tế. Một khi chính sách đầu vào tốt, chắc chắn sản phẩm đầu ra sẽ có chất lượng. Nói cách khác, chắc gốc sẽ bền ngọn, "đầu vào" có chuẩn thì "đầu ra" mới đáp ứng được yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.