(HNMO) - Sinh con ra, cha mẹ nào cũng muốn con khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu không may con mắc phải bệnh tim bẩm sinh, cha mẹ cần bình tĩnh, vững vàng và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sỹ.
Cứ 1.000 trẻ được sinh ra có 8 trẻ bị tim bẩm sinh
PGS.TS Trương Thanh Hương, chuyên gia tim bẩm sinh và di truyền, nguyên Trưởng phòng Tim bẩm sinh và tim mạch nhi, Chủ nhiệm phòng xét nghiệm phân tử tim mạch lâm sàng - Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), Giảng viên cao cấp - Bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội cho biết: “Dị tật tim bẩm sinh (TBS) là những bất thường về cấu trúc của tim và mạch máu như thông liên thất, thông liên nhĩ, thiểu sản tim trái, tim một thất, teo tịt van động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ... có ngay từ khi trẻ sinh ra”.
Trẻ mới sinh bị dị tật TBS thường có dấu hiệu phổ biến là thở nhanh, tím tái, lên cân chậm, bú kém, vã mồ hôi. Với trẻ lớn hơn (thường sau 5 tuổi), các dấu hiệu phổ biến của TBS là khó thở, dễ mệt khi nô đùa khiến trẻ không theo kịp bạn, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, đau ngực, tức ngực, đánh trống ngực, gầy gò, ăn kém.
PGS.TS Trương Thanh Hương trong lần khám tình nguyện sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ. |
Khi thấy những dấu hiệu trên, các bậc cha mẹ nên cho con đi khám bác sỹ chuyên về tim mạch. Bác sỹ sẽ nghe nhịp tim, khám mạch, sau đó cho trẻ đi siêu âm tim, điện tim. Với những trường hợp khó hơn, bác sỹ sẽ làm các thăm khám sâu hơn như cho trẻ đi chụp cộng hưởng từ tim, chụp cắt lớp vi tính tim, đeo máy theo dõi điện tim 24h…
Theo PGS.TS Trương Thanh Hương, đa số các trường hợp mắc bệnh TBS là không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, bằng chứng về nguy cơ cao sinh ra trẻ mắc TBS của các mẹ mắc rubella trong ba tháng đầu mang thai là rất rõ ràng.
Cùng với đó, một số bệnh di truyền đã được khẳng định có liên quan chặt chẽ đến TBS bao gồm hội chứng Down, hội chứng Turner (một tình trạng trong bộ gen nữ bị mất một nhiễm sắc thể X). Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện một số dạng dị tật tim bẩm sinh liên quan đến đột biến gen và yếu tố di truyền.
Ngoài ra, các cặp vợ chồng có người thân mắc bệnh TBS trước đó có nguy cơ sinh ra các trẻ mắc bệnh là cao hơn không đáng kể so với bình thường và thay đổi tùy theo dạng TBS.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, TBS chiếm 0,7-0,8% những trẻ sinh ra còn sống, tức cứ 1.000 trẻ sinh ra còn sống thì có 7-8 trẻ bị tim bẩm sinh. Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu em bé ra đời. Như vậy, số trẻ bị bệnh tim bẩm ở nước ta là khá lớn.
“Chúng ta cần hiểu rằng 70% trường hợp mắc TBS là mắc đơn thuần, tức là tổn thương tim không phức tạp; 30% trường hợp còn lại là mắc TBS phức tạp”, chuyên gia Trương Thanh Hương chia sẻ.
Cha mẹ cần làm gì?
Trong 70% bệnh nhân bị TBS không phức tạp thì 80% có thể điều trị triệt để, gần như khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu các trẻ này không được chẩn đoán và điều trị sớm, nhiều trẻ có thể tử vong trong năm đầu do các biến chứng của TBS như tăng áp lực động mạch phổi, suy tim, áp xe não, tắc mạch, nhiễm trùng.
30% trẻ mắc TBS là các dị tật TBS phức tạp, nếu không được chẩn đoán và điều trị, 60% trong số này sẽ tử vong trong vòng vòng 1 năm đầu đời.
Để phòng ngừa các dị tật TBS, phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm vắcxin rubella, khám sức khỏe trước khi mang thai, khám thai định kỳ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Có hơn 50 dạng bệnh TBS, mỗi dạng bệnh được thể hiện khác nhau nên để đạt được kết quả điều trị tốt cần phải cá thể hóa điều trị, tức mỗi trẻ có kế hoạch điều trị riêng. Tùy thuộc tình trạng bệnh của trẻ mà bác sỹ chuyên khoa tim mạch sẽ đưa ra các biện pháp điều trị thích hợp, có thể trẻ chỉ theo dõi, hoặc cần điều trị bằng thuốc, hoặc phải can thiệp tim hoặc phẫu thuật tim.
Sinh con ra, cha mẹ nào cũng muốn con khỏe mạnh. Vì vậy, chẳng dễ dàng gì khi biết con bị dị tật TBS. Sốc, choáng váng và hoang mang là những cảm giác thường thấy của bậc cha mẹ khi nhận được tin con mắc bệnh này. Không ít cha mẹ còn cảm thấy tội lỗi, day dứt vì mình mà con sinh ra bị mắc bệnh. Cùng với đó, nhiều cha mẹ có tâm lý từ chối bệnh lý, không chấp nhận việc con bị bệnh hoặc bối rối lựa chọn phương pháp điều trị cho con.
PSG.TS Trương Thanh Hương đưa ra lời khuyên, các bậc cha mẹ có con bị TBS cần bình tĩnh, vững vàng, bởi lúc này cuộc sống trong gia đình ít nhiều bị xáo trộn, cha mẹ vất vả hơn khi sẽ phải đưa con đi khám bệnh hoặc nhập viện điều trị, không chỉ một vài ngày mà có thể hằng tuần, hằng tháng. Vì vậy, cha mẹ phải vững vàng thì mới có thể đảm đương được trách nhiệm với trẻ.
Cha mẹ không nên trách bản thân bởi hiện nguyên nhân của bệnh này cũng chưa rõ ràng. Các yếu tố chỉ ra ở trên chỉ là nguy cơ gây bệnh mà thôi, không hẳn là nguyên nhân. Hiện nay, việc chẩn đoán và điều trị bệnh TBS ở nước ta đã có bước tiến dài. Nhiều trường hợp mắc bệnh phức tạp được can thiệp thành công, nhiều em bé bị TBS sau khi được can thiệp đã sống như những trẻ bình thường khác. Vì vậy, cha mẹ có quyền hy vọng về tương lai tốt đẹp cho con.
Việc cha mẹ cần làm là đưa con đi khám bác sỹ chuyên khoa tim mạch và sát cánh cùng bác sỹ. Nếu trẻ phải can thiệp hoặc phẫu thuật, thì sau khi can thiệp hoặc phẫu thuật, trẻ cần được tiếp tục dùng đúng đơn bác sỹ, không được tự ý dừng thuốc và cần khám định kỳ theo lịch hẹn. Nếu cha mẹ nhận thấy bất thường ở trẻ như đau ngực, khó thở, tim đập nhanh, chậm lên cân, ăn kém thì phải cho trẻ khám lại sớm hơn.
Việc gặp và nhận được tư vấn từ bác sỹ chuyên khoa sâu về TBS rất quan trọng với bậc cha mẹ, bởi nếu được tư vấn một cách đầy đủ, các bậc cha mẹ sẽ vững tâm trong chặng đường điều trị bệnh TBS cho trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.