Ngày 16-10-1964, Trung Quốc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên.
Tiền Tam Cường (16/10/1913 - 28/6/1992) sinh ở huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, là con của Tiền Hương Đồng, một học giả nổi tiếng chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ và văn tự của Trung Quốc. Năm 1929, Tiền Tam Cường thi đỗ Khoa Khoa học tự nhiên bậc dự bị Đại học Bắc Kinh. Năm 1932, ông chuyển sang học Khoa Vật lý Đại học Thanh Hoa. Năm 1936, ông tốt nghiệp về làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vật lý thuộc Viện Nghiên cứu Bắc Bình và được cử đi nghiên cứu sinh vật lý tại Pháp.
Mùa hè năm 1937, Tiền Tam Cường tới phòng thí nghiệm Quy-ri của Trung tâm Nghiên cứu ra-đi-um, Đại học Pa-ri. Lúc này, vợ chồng nhà khoa học Ma-ri Quy-ri đã mất. Công việc điều hành phòng thí nghiệm được hai nhà khoa học giao cho con gái I-rê-nơ Quy-ri và con rể Giô-li-ô Quy-ri chủ trì. Trong quá trình làm luận án tiến sĩ, Tiền Tam Cường được sắp xếp làm việc ở phòng thí nghiệm này và phòng thí nghiệm hóa học hạt nhân nguyên tử của Pháp. Thông minh, cần cù, năm 1940, Tiền Tam Cường đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Một thời gian sau, quân Đức vượt biên giới xâm lược Pháp, tuyến đường biển qua Thái Bình Dương bị cắt đứt. Tiền Tam Cường không thể trở về nước như dự định và ở lại Pháp theo đuổi sự nghiệp vật lý hạt nhân nguyên tử và phóng xạ. Năm 1944, Tiền Tam Cường trở thành nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Tận dụng điều kiện nghiên cứu thuận lợi, Tiền Tam Cường hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài đi sâu nghiên cứu lĩnh vực lực học nguyên tử và gặt hái được những kết quả quan trọng.
Cùng với người bạn học Hà Trạch Tuệ (sau này thành vợ của Tiền Tam Cường) và hai nghiên cứu sinh người Pháp, Tiền Tam Cường đã phát hiện khi bị nơ-tơ-rông tấn công, hạt nhân nguyên tử không chỉ có thể bị phân tách làm 2, mà còn có thể phân tách làm 3, thậm chí là 4. Kết quả nghiên cứu này được công bố vào năm 1947 đã tạo ra một chấn động lớn ở Pháp. Với thành công này, Tiền Tam Cường không chỉ được tặng thưởng, mà còn được đề bạt làm người hướng dẫn nghiên cứu khoa học của Viện Khoa học quốc gia Pháp, trở thành nhà khoa học duy nhất của Trung Quốc lưu học tại Pháp giành được học vị này.
Sự ngưỡng mộ, điều kiện sống đầy đủ ở Pa-ri vẫn không làm Tiền Tam Cường từ bỏ ý định trở về phụng sự quê hương. Tháng 4-1948, Tiền Tam Cường tới nhà bà I-rê-nơ từ biệt. Hai tháng sau, gia đình ông về nước, làm giáo sư Đại học Thanh Hoa, đồng thời phụ trách việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử học thuộc Viện Nghiên cứu Bắc Bình.
Sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, Tiền Tam Cường tích cực xây dựng và điều chỉnh Viện Khoa học Trung Quốc, lần lượt được giao chủ trì công việc của Cục Kế hoạch và Trung tâm Nghiên cứu vật lý cận đại thuộc Viện Khoa học Trung Quốc. Năm 1955, sau khi Trung Quốc ra quyết định chiến lược nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, Tiền Tam Cường cùng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Vương Kiềm Xương, Bành Hằng Vũ đã vạch kế hoạch 5 năm lần thứ I về phát triển ngành khoa học hạt nhân của Trung Quốc. Chỉ trong vài năm, nhiều chuyên gia khoa học công nghệ hạt nhân có trình độ học thuật cao và tinh thần quên mình cống hiến từ phương Tây, Đông Âu và các đơn vị nghiên cứu khoa học trong nước về đầu quân cho Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Trung Quốc, Tiền Tam Cường đã điều binh, khiển tướng cho việc nghiên cứu chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên. Năm 1964, Trung Quốc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Theo thống kê, có tới một nửa trong số 30 lần thử nghiệm hạt nhân của Trung Quốc do Tiền Tam Cường giữ trọng trách chỉ huy nơi hiện trường.
Vân Khánh(tổng hợp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.