Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cây nhãn tổ gần 130 tuổi truyền 5 đời ở Hà Nội

Theo Phạm Trường - Minh Hà/Zing| 26/08/2018 09:20

Cây nhãn tổ gần 130 tuổi của một gia đình ở Hà Nội có đường kính thân hơn 1 m, cao 20 m. Tán cây rộng phủ kín cả khoảng vườn lớn.


Cây nhãn của gia đình bà Nguyễn Thị Cước (83 tuổi) ở xã Đại Thành, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đến nay đã gần 130 tuổi. Cây thuộc loại nhãn quả méo, luôn sai trĩu khi tới vụ.


Người chủ sở hữu cây nhãn tổ đặc biệt cho biết bà là hậu duệ thứ 3 của gia đình. Đường kính thân cây hơn 1 m, cao 20 m, tán phủ kín cả một khoảng vườn lớn.


Nhãn tổ thường chín muộn hơn các loại khác chừng một tháng (giữa tháng 8 đến cuối tháng 9). Quả trên cây không quá to, màu vàng đậm khi chín.


Bà Nguyễn Thị Cước ngày ngày vẫn ra vườn chăm sóc cây nhãn tổ. Với bà, cây nhãn như người bạn tâm giao, gắn với ký ức và cuộc đời 5 thế hệ trong gia đình. Bà Cước cho biết, bà rất vui khi nhiều người biết đến cây, cũng như được xã hội công nhận là cây nhãn có tuổi đời lâu nhất. Cây còn sản sinh ra giống nhãn đặc biệt khắp các miền.


"Tuổi tôi đã gần đất xa trời, da tôi cũng sần sùi không thua gì vỏ cây nhãn này, nhưng nhìn nó vẫn phát triển, cho quả, cho giống đi khắp nơi, được nhiều người công nhận vị ngon, vui lắm. Mong sao người ta biết đến nguồn gốc của giống nhãn đặc biệt này và lưu truyền mãi", bà Cước tâm sự.


Cây nhãn tổ tán rộng, gốc lớn mọc lên rồi chia làm 3 nhánh lớn, giữa gốc có bệ vừa người ngồi. Thân cây lâu năm trở đã xù xì, rêu phủ bám nhưng vẫn đầy sức sống.


Thấy cây nhiều tuổi, mỗi năm vào vụ lại trĩu quả nên gia đình bà Cước đặt 4 cọc bê tông làm giá đỡ cho 4 nhánh, giúp cây đứng vững hơn.


Nhiều nhánh cây qua thời gian bị hoai mục, gãy ngang, nấm và rêu mọc kín.


Mấy chục năm nay, năm nào cũng có người đến hỏi mua cây nhãn tổ nhưng gia đình không bán cả gốc. Biết nhiều người mong có giống cây nhãn tổ, gia đình cho họ chiết các cành nhỏ để mang về trồng.


Quanh gốc nhãn, có nhiều rễ nhô lên khỏi mặt đất, bên ngoài sần sùi, khô cứng.


Mỗi ngày đi học về, Đạt (11 tuổi, cháu nội bà Cước) lại cùng em gái chạy ra vườn vui đùa và hái quả. Hai anh em luôn xin bố mẹ và bà ra cây nhãn lớn nhất để ăn vì quả ngọt và thơm, khác những cây nhãn còn lại trong vườn.


Em gái Đạt thích thú khi được anh trai bóc nhãn cho, lộ ra cùi nhãn dày trắng ngần, mọng nước, ngào ngạt mùi thơm.


Cây nhãn tổ cho quả không quá to nhưng sai trĩu quả như lứa nhãn tơ (nhãn trồng 3-4 năm), vụ nào cũng cho 600-800 kg. Do có quả chín muộn nên cuối mùa nhiều người thường tới mua với giá cao.


Quả cây nhãn tổ thường méo, vỏ mỏng, phần cùi phía trong trắng ngần, dày, hạt nhỏ nên nhiều người ưa chuộng. Quả có vị ngọt thanh, thơm bùi.


Ông Nguyễn Văn Tý (56 tuổi, con trai bà Cước) cho biết, đến vụ nhiều khách hàng gọi đặt hàng nhãn của gia đình vì họ biết nguồn gốc và chất lượng nhãn ngon. Nhãn cả vùng này nhiều nhưng vườn của gia đình có mấy chục gốc thường bán hết sớm hơn.


"Nhiều người muốn nếm quả từ cây nhãn tổ nên họ đến tại vườn mua. Còn không họ gọi điện đặt mua nhãn trong vườn, đặt bao nhiêu tôi lại hái chở đến. Năm nay được mùa, giá nhãn giao động 10.000-15.000 đồng/kg", ông Tý nói.


Xã Đại Thành, huyện Quốc Oai (Hà Nội), cách trung tâm thành phố chừng 20 km. Ảnh: Google Maps.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây nhãn tổ gần 130 tuổi truyền 5 đời ở Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.