(HNM) - Cây dược liệu khi được phát triển, quản lý chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, phục vụ tiêu dùng thì thực sự là “vàng ròng” giúp nông dân có sinh kế bền vững.
Chăm sóc cây dược liệu tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Vũ My |
Thời gian gần đây, các sản phẩm dược liệu hữu cơ của Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn (thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng lựa chọn.
Chị Nguyễn Thanh Tuyền - một trong những người đầu tiên gắn bó với dược liệu hữu cơ Sóc Sơn, chia sẻ: "Trồng dược liệu hữu cơ rất nhọc nhằn, nông dân phải nói không với các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, sản lượng không cao như phương pháp canh tác truyền thống. Bù lại, khi nông dân, hợp tác xã thực hiện tốt, khách hàng tin tưởng sử dụng sản phẩm thì đó là con đường phát triển kinh tế bền vững cho các vùng khó khăn".
Thời gian qua, các vườn dược liệu của Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn đã thu hút hàng nghìn người đến tham quan, không chỉ để mua các sản phẩm mà còn được hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng. Nếu như năm 2015, toàn huyện Sóc Sơn mới chỉ có 15ha cây dược liệu với chủng loại chủ yếu là nhân trần và thanh hao hoa vàng, thì với Chương trình hỗ trợ phát triển cây dược liệu của huyện về giống, xây dựng nhãn hiệu sở hữu tập thể “Cây dược liệu Sóc Sơn”… đã có những bước chuyển quan trọng.
Theo đó, đến nay, giá trị cây dược liệu hữu cơ đã tăng từ 1,5 đến 2 lần so với phương pháp truyền thống, tổng diện tích đã đạt 48ha; có 29 loài với nhiều loại dược liệu quý như: Trà hoa vàng, kim ngân hoa, cát sâm, rẻ quạt, hồng hoa, mộc hoa… Bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, hiện thu nhập dược liệu của huyện đã đạt 280-420 triệu đồng/ha, nhờ vậy đời sống người dân được nâng cao.
Còn tại huyện Ba Vì, Công ty cổ phần Ao Vua đã đầu tư công viên thảo dược, từ chỗ gần 400 loài nay đã quy tụ được gần 1.000 loài thảo dược quý. Đây là một trong số ít doanh nghiệp đầu tiên của cả nước mạnh dạn xây dựng một công viên thảo dược quy mô, bài bản. Tại công viên thảo dược này, nhiều loài chỉ có trong sách đỏ đã được công ty dày công sưu tầm để trồng, chăm sóc, phát triển tốt.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua, công ty đang có chương trình hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản để xây dựng, phát triển vùng dược liệu. Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ mở ra một hướng mới trong việc phát triển cây dược liệu của Hà Nội và các vùng phụ cận.
Tại Hà Nội, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp đã có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân ở các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức… phát triển, bảo tồn cây dược liệu. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thời gian qua, các sở Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt nhiều đề tài nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực cơ bản và ứng dụng, nâng cao kỹ thuật trồng trọt, phát triển, thuần hóa các giống cây dược liệu bản địa; sản xuất chế phẩm thuốc từ dược liệu, xây dựng quy trình, tiêu chuẩn...
“Tuy nhiên, để cây dược liệu phát triển tương xứng với tiềm năng, khai mở "mỏ vàng" này hiệu quả hơn nữa, rất cần các nhà khoa học, doanh nghiệp cùng vào cuộc, thực hiện theo chiến lược bài bản, khoa học. Qua đó, thu hút nhiều nhà đầu tư kết hợp với công nghệ tiên tiến để lĩnh vực này phát triển rõ nét và hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.