Nông nghiệp

Phát triển cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm

Ngọc Quỳnh 20/12/2023 - 06:39

Hà Nội là địa phương có nguồn cây dược liệu lớn, phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả canh tác cây dược liệu, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần hỗ trợ các địa phương mở rộng diện tích, liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ, qua đó mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.

hoa-cuc-chi.jpg
Mô hình trồng hoa cúc chi - cây dược liệu tại xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hương Giang

Hiệu quả kinh tế cao

Về tình hình phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu thông tin, Hà Nội có khoảng 213ha cây dược liệu, nằm rải rác ở một số địa phương, như: Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, Thạch Thất... Các chủng loại cây dược liệu tương đối đa dạng, gồm: Cà gai leo, kim ngân hoa, đinh lăng, chè hoa vàng, hoa nhài...

Để phát triển cây dược liệu theo hướng bền vững, ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, từ năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổng quy mô 14ha. Nhìn chung, các mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo liên kết chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ và chế biến cây dược liệu, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, mô hình trồng cây dược liệu đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế và làm giàu từ những vùng đất đồi gò của nông dân Thủ đô.

Ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) cho biết, gia đình ông hiện có 7ha cây dược liệu. Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm, nên cây dược liệu đã mang lại giá trị kinh tế cao, đạt 420 triệu đồng/ha/năm trở lên, gấp 3 lần cây trồng khác.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (thị xã Sơn Tây) Uông Thị Tuyết Nhung, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ hợp tác xã xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 3ha. Theo đó, hợp tác xã được hỗ trợ 50% cây giống với định mức 400.000 cây/ha; hỗ trợ 50% khối lượng vật tư, phân bón... Kết quả canh tác đạt năng suất 8,5 tấn sản phẩm tươi/ha (tương đương 1,2 tấn khô/ha), với giá bán 600 triệu đồng/1 tấn khô, trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 225 triệu đồng/ha (trong thời gian 4 tháng).

Cần liên kết giữa doanh nghiệp - người trồng

Mặc dù vậy, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đánh giá, việc sản xuất dược liệu còn ở quy mô nhỏ, phân tán và chưa có cơ sở sản xuất giống tập trung. Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng sản phẩm, việc quá trình trồng, chăm sóc, chế biến,... đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Ngọc Linh Trần Thu Hoài, hiện công ty đang thu mua sản phẩm trên diện tích 9-12ha trồng cây dược liệu tại các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Sóc Sơn... Dự kiến trong năm 2024, công ty thu mua sản phẩm của nông dân trên diện tích khoảng 20ha trồng các loại cây dược liệu. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng sản phẩm thu mua, các ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn; hỗ trợ vay vốn đầu tư công nghệ cao cho quá trình thu hái, sơ chế, chế biến sản phẩm, nhằm cung cấp ổn định nguyên liệu cho các doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu cho hay, trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ xây dựng các mô hình cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hình thành các vùng chuyên canh tập trung để trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại các vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, với quy mô 400ha vào năm 2025 và 1.000ha vào năm 2030. Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ cho việc bảo tồn, khôi phục giống dược liệu quý, hiếm; phát triển dược liệu dưới tán rừng, sản xuất một số loại dược liệu đặc thù, như: Nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để phát triển cây dược liệu cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Bởi, việc sản xuất cây dược liệu đòi hỏi các tiêu chuẩn và quy định khắt khe, nếu người dân trồng cây dược liệu tự phát thì khó đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Do đó, trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Hà Nội xác định phát triển các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, từng bước đưa cây dược liệu trở thành một trong những cây trồng thế mạnh của Hà Nội.

“Để phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị, các địa phương và người dân cần quy hoạch vùng trồng, danh mục loài cây dược liệu phù hợp, không dàn trải, ưu tiên cây đặc sản. Ngoài ra, Sở kiến nghị Bộ NN&PTNT quy hoạch vùng bảo tồn những loài cây dược liệu quý hiếm trong tự nhiên, ưu tiên tại các khu rừng đặc dụng, bởi đây là nơi bảo tồn nguồn gen và cung cấp giống cho sản xuất. Từ đó, xây dựng các dự án vùng nguyên liệu gắn với sơ chế, chế biến sâu; xây dựng mã số các vùng trồng để quản lý nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm dược liệu trên thị trường”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.