Sách

Cây cầu nối hai nền văn hóa Việt - Áo

Hạ Yến 09/06/2024 - 06:13

Mùa hè năm nay, một tác giả văn học thiếu nhi Áo nổi tiếng đã “giao lưu” với độc giả Việt Nam bằng 4 tác phẩm truyện dài, sách tranh vừa được dịch và ra mắt. Từ lâu, văn học đã là cây cầu đưa độc giả Việt Nam đến với văn chương, đất nước và con người Áo.

17.jpg
Buổi giao lưu ra mắt sách của nữ nhà văn Áo Mira Lobe thu hút đông độc giả tham dự.

Văn học Áo thường được xem xét trong sự nối kết chặt chẽ với văn học tiếng Đức nói chung. Theo ông Patrick Horvath, Tổng Thư ký nhóm chuyên gia cố vấn WIWIPOL (Nhóm làm việc về chính sách kinh tế khoa học có trụ sở tại thành phố Vienne, Áo), “nước Áo nằm ở trung tâm châu Âu, đã có nhiều đóng góp phong phú và đa dạng cho nền văn học tiếng Đức. Áo là quê hương của nhiều tác giả nổi tiếng thế giới như Franz Kafka hay Stefan Zweig. Nhưng kho tàng tuyệt vời nhất trong văn học Áo là các tác phẩm truyện thiếu nhi của nhiều nữ tác giả tài năng thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai”.

Mira Lobe là tác giả không thể không nhắc đến khi đề cập đến văn học thiếu nhi Áo. Mới đây, những bản dịch giá trị, giúp kết nối hai nền văn hóa Áo - Việt của dịch giả Chu Thu Phương với truyện dài “Bà ngoại trên cây táo” và ba tác phẩm sách tranh “Lại đây nào! Mèo bảo”, “Tôi là tôi bé nhỏ”, “Thành phố quanh vòng quanh” của Mira Lobe đã được chính thức giới thiệu tới độc giả nhỏ tuổi nước Việt.

Tại buổi ra mắt sách được tổ chức tại Hà Nội, các độc giả thiếu nhi đã được giao lưu với dịch giả Chu Thu Phương, được xem kịch do Câu lạc bộ tiếng Đức - Học viện Ngoại giao biểu diễn và tham quan triển lãm tranh minh họa các tác phẩm của Mira Lobe qua nét vẽ của hai họa sĩ Susi Weigel và Angelika Kaufmann.

Theo dịch giả Chu Thu Phương, Mira Lobe đã sáng tác hơn 100 tác phẩm cho thiếu nhi và thanh, thiếu niên, trong đó có nhiều tác phẩm đạt các giải thưởng quốc gia và quốc tế, được dịch ra trên 30 thứ tiếng khác nhau, xuất bản ở nhiều quốc gia. Văn chương của Mira Lobe đề cao tinh thần bác ái, hòa bình, nhân văn sâu sắc. Với Mira Lobe, thế giới chỉ có thể tốt đẹp hơn khi những công dân nhí có tiếng nói riêng.

Bởi thế, chọn dịch một số truyện thiếu nhi của Mira Lobe để giới thiệu đến độc giả, dịch giả Chu Thu Phương chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn giúp cha mẹ người Việt thấu hiểu tâm hồn con cái mình hơn và đồng thời giúp con cái người Việt tại Áo cũng như tại các cộng đồng người Việt sinh sống ở các quốc gia, lãnh thổ nói tiếng Đức có động lực học tiếng Việt nhiều hơn”, qua đó “mong muốn góp phần xây dựng và phát triển hơn nữa cầu nối hữu nghị giữa hai đất nước, đặc biệt trên lĩnh vực hóa”.

Các tác phẩm của Mira Lobe không phải là những trang sách đầu tiên của văn học Áo đến với Việt Nam. Từ lâu, nền văn học Áo đã có một số gương mặt tiêu biểu có mặt trên thị trường xuất bản nước Việt với những tên tuổi như Franz Kafka, Stefan Zweig, Thomas Bernhard, Elfriede Jelinek, Daniel Glattauer...

Theo dịch giả Lê Quang, mặc dù có nhiều tác phẩm có giá trị nhưng văn học Áo chưa được giới thiệu nhiều ở Việt Nam, một phần vì khó dịch, một phần là bởi nhiều tác phẩm rất kén người đọc.

Dịch giả Lê Quang là người đã dịch một số tác phẩm của các nhà văn người Áo. Có thể kể tới “Mãi yêu em” - tác phẩm được biết bằng giọng văn hóm hỉnh kể câu chuyện “kinh dị” được khoác ngoài bằng tấm áo diễm tình - của nhà văn Daniel Glattauer. Cũng cùng tác giả và dịch giả là các tiểu thuyết “Cưỡng cơn gió bấc”, “Ân sủng của đời” đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Giới thiệu văn học Áo đến độc giả Việt, dịch giả Lê Quang còn mang tới “Tình ơi là tình” của Elfriede Jelinek, một trong những tác giả đương đại viết tiếng Đức quan trọng nhất, nữ nhà văn từng nhận nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có giải Nobel Văn học năm 2004. Ngoài “Tình ơi là tình”, tác phẩm “Cô gái chơi dương cầm” của Elfriede Jelinek cũng đã được dịch sang tiếng Việt.

Nhà văn người Áo Thomas Bernhard được xem là “người khổng lồ hùng mạnh nhất” của văn chương Đức ngữ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Một số tác phẩm của ông đã được giới thiệu tới độc giả Việt là “Đốn hạ”, “Diệt vong”. Còn Peter Handke, tiểu thuyết gia người Áo đã nhận giải Nobel văn học năm 2019 thì mới có một tác phẩm được dịch sang tiếng Việt là "Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình".

Nhắc đến văn học Áo, quen thuộc nhất với độc giả Việt Nam là cái tên Stefan Zweig với những truyện ngắn, truyện vừa nổi tiếng như “Ngõ hẻm dưới ánh trăng”, “Bức thư của người đàn bà không quen”, “Hai mươi tư giờ trong đời một người đàn bà”, “Thiên tài của một đêm”, “Bộ sưu tập vô hình”...

Stefan Zweig được đánh giá là một trong những ngôi sao chói lọi trên nền trời văn học thế giới nửa đầu thế kỷ XX, được gọi là “một nghệ sĩ bẩm sinh” và là tác giả của những tác phẩm thấm sâu lòng nhân ái kỳ diệu đối với con người. Những tác phẩm của Stefan Zweig được dịch và tái bản rất nhiều lần tại Việt Nam, được nhiều độc giả nước Việt yêu thích và tìm đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây cầu nối hai nền văn hóa Việt - Áo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.