Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cầu" nhiều, "cung" được bao nhiêu?

Thống Nhất| 17/12/2015 06:59

(HNM) - Trong năm 2016 sẽ khảo sát, đánh giá thực trạng triển khai công tác tư vấn tâm lý; xây dựng, ban hành thông tư quy định về tổ chức công tác tư vấn tâm lý trong trường học, đó là thông tin vừa được Bộ GD-ĐT công bố vào ngày 3-12.

Giáo viên luôn là nhà tư vấn tâm lý gần gũi với học sinh. Ảnh: Thái Hiền


Nếu được triển khai, đây là lần đầu tiên vai trò của công tác tư vấn tâm lý được nhìn nhận một cách tổng thể, khẳng định ý nghĩa quan trọng không thể thiếu trong công tác giáo dục toàn diện ở các trường phổ thông trong bối cảnh hiện nay.

Học trò "khát" được sẻ chia

Kết quả khảo sát mới được Bộ GD-ĐT công bố cho thấy, có tới 93% học sinh, sinh viên được hỏi cho biết họ gặp nhiều vướng mắc, cần được chia sẻ, hỗ trợ giải quyết trong học tập và cuộc sống thường ngày. Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT nhận định: Học sinh phổ thông có thể phải đối mặt với nhiều thách thức. Những vướng mắc đó tưởng chừng rất bình thường, phổ biến, nhưng nếu không kịp thời được hỗ trợ, giải tỏa thì sẽ trở nên nguy cấp, như áp lực trong học tập; mối quan hệ với thầy cô, người thân trong gia đình, bạn bè; mối quan hệ với bạn khác giới; sự lúng túng trong việc định hướng nghề nghiệp…

Hậu quả của những vướng mắc này rất đa dạng, hầu hết đều ở trạng thái tiêu cực, nhẹ thì lười biếng, chán học, bỏ học, nặng hơn thì bị trầm cảm, phá phách, thậm chí tìm đến cách giải quyết bế tắc rất nguy hiểm như tự tử…

Ở một nghiên cứu sâu hơn, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã "điểm mặt, chỉ tên", xác định mức độ khó khăn mà học sinh thường gặp cũng như cách thức giải quyết khó khăn, từ đó tìm hiểu, xác định nhu cầu tham vấn của các em. Đáng chú ý là có tới 96% số học sinh được hỏi cho biết có những băn khoăn, lo lắng ở những mức độ khác nhau. Hai lĩnh vực gây khó khăn nhiều nhất với học sinh hiện nay là áp lực học tập và mối quan hệ với người khác.

Trước những khó khăn này, các em có nhiều phương thức giải quyết khác nhau, trong đó 44% số học sinh lựa chọn cách ứng xử chưa phù hợp là âm thầm chịu đựng. Phương thức tích cực nhất mà các em đã sử dụng là tâm sự với người khác, đó là cách giải quyết đúng hướng, nhưng lại chưa hiệu quả bởi đối tượng tâm sự chủ yếu là bạn bè và việc tâm sự với bạn bè chủ yếu là để giải tỏa căng thẳng nhất thời. Đôi khi, do hiểu biết có hạn, các em có thể định hướng cho nhau theo chiều hướng sai lệch. Số học sinh tìm đến người lớn để chia sẻ rất ít.

Các thầy cô giáo cho rằng những hạn chế nói trên là thực tế khách quan, gắn với đặc điểm lứa tuổi phổ thông "ương ương, dở dở", đòi hỏi giáo viên, cha mẹ cần gần gũi, trở thành người bạn tin cậy để lắng nghe, khuyến khích học sinh giải tỏa những bức xúc, đồng thời định hướng cho các em cách giải quyết đúng đắn. Thực tế còn cho thấy, mặc dù có nhu cầu tâm sự, chia sẻ rất lớn, nhưng hiệu quả giải quyết khó khăn còn thấp, nên hầu hết học sinh đều ngại tìm sự trợ giúp từ các phòng tư vấn tâm lý.

"Cung" chưa theo kịp "cầu"

Mô hình tư vấn tâm lý học đường đã không còn quá xa lạ với giáo viên, học sinh ở các cơ sở giáo dục. Tại Hà Nội, mô hình phòng tư vấn tâm lý trong trường học đã xuất hiện từ năm 2004 tại một số trường THCS và THPT với sự hỗ trợ của tổ chức UNICEF Việt Nam và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ở nhiều địa phương, công tác tư vấn tâm lý được lồng ghép với các hoạt động ngoại khóa, "xuất hiện" khi học sinh gặp tình huống "có vấn đề". Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, đây vẫn chỉ là hoạt động mang tính tự phát.

Việc tổ chức thực hiện cũng như hiệu quả phụ thuộc vào nhận thức của cán bộ quản lý của từng đơn vị. Một số trường của Hà Nội như THPT Đinh Tiên Hoàng, THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Trần Hưng Đạo, THCS Ngô Sỹ Liên... duy trì hoạt động của phòng tư vấn tâm lý nhờ vào nguồn lực xã hội hóa. Công tác tư vấn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, kỹ năng của cán bộ, giáo viên trong quá trình quản lý, giảng dạy. Chế độ, chính sách cho đội ngũ này phần nhiều chỉ mang tính động viên. Cách thức này ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động tư vấn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận: Công tác tư vấn tâm lý chưa được triển khai sâu rộng tại các trường phổ thông. Nhiều trường chưa có phòng tư vấn, các văn bản chỉ đạo, chế độ chính sách liên quan cũng chưa có. Việc tổ chức tư vấn thiếu khoa học, chưa hấp dẫn khiến học sinh còn e dè. Hầu hết các nhà trường chưa được bố trí biên chế cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý, thiếu kinh phí hoạt động. Đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý đa số là giáo viên kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ nên chất lượng tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để khắc phục những bất cập này, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá thực trạng triển khai công tác tư vấn tâm lý để tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai. Việc biên soạn tài liệu phục vụ công tác tư vấn tâm lý; tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác tư vấn cũng sẽ được triển khai ngay trong năm tới. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm 2016 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cầu" nhiều, "cung" được bao nhiêu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.