Đời sống

Tư vấn gần 35.000 phụ nữ, trẻ em kỹ năng phòng ngừa, ứng phó bạo lực

Nguyệt Ánh 14/11/2024 - 18:09

Chiều 14-11, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết chỉ đạo điểm Dự án 8; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp duy trì, nhân rộng các mô hình điển hình.

Triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến 2025, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo điểm các mô hình, hoạt động dự án tại 8 tỉnh: Bắc Kạn, Thanh Hóa, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng.

_mg_3452.jpg
Các đại biểu tham quan Triển lãm "Ước mơ của em" tại chương trình. Ảnh: Minh Trang

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã hỗ trợ thành lập và duy trì hiệu quả 6 tổ truyền thông cộng đồng, 2 địa chỉ tin cậy, 3 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; thí điểm hỗ trợ 8 mô hình tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, đồng làm chủ ứng dụng công nghệ; cùng với đó là các hoạt động truyền thông, đối thoại chính sách…

Theo báo cáo, giai đoạn 1, tính đến tháng 10-2024, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực: 4/9 chỉ tiêu cốt lõi của dự án đã vượt kế hoạch đặt ra. Dự án đã xây dựng và duy trì 10.638/9.000 tổ truyền thông cộng đồng, thu hút 214.776 thành viên là nam giới, nữ giới những người có uy tín tại cộng đồng tham gia; 2.673/1.000 địa chỉ tin cậy, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, đồng thời tư vấn cho khoảng 34.935 phụ nữ, trẻ em tại địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi về các vấn đề, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; 1.909/1.800 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, tuyên truyền cho 76.739 trẻ em; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 3.232/2.000 cán bộ nữ dân tộc thiểu số.

_mg_3406.jpg
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương phát biểu. Ảnh: Minh Trang

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương cho biết, các hoạt động chỉ đạo điểm bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi của người dân, góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ định kiến giới và giảm thiểu tác động của các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu vượt qua các rào cản, định kiến giới, tiên phong thay đổi, khẳng định vai trò, vị trí của bản thân trong gia đình và cộng đồng. Nhiều cách làm hay, sáng tạo của Hội phụ nữ cơ sở, các ngành liên quan và sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tạo nên thành công của dự án tại địa bàn chỉ đạo điểm.

81-1-.jpg
Giao lưu với các nhân vật điển hình của Dự án 8. Ảnh: Bảo Lâm

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng cho biết, công tác chỉ đạo điểm dự án còn gặp một số khó khăn, cần giải pháp khắc phục và thúc đẩy trong thời gian tới, như: Cán bộ thực hiện dự án còn lúng túng trong quản lý tổ chức thực hiện; năng lực duy trì, vận hành mô hình còn hạn chế; việc hỗ trợ duy trì hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng và Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” gặp khó khăn do chưa được cấp kinh phí duy trì từ nguồn ngân sách địa phương…

82.jpg
Đại biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Bảo Lâm

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung chia sẻ, thảo luận đánh giá về kết quả, tác động và rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai các mô hình của Dự án 8, góp phần thực hiện hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu của dự án giai đoạn I và làm căn cứ để đưa ra các giải pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo thực hiện dự án ở giai đoạn tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tư vấn gần 35.000 phụ nữ, trẻ em kỹ năng phòng ngừa, ứng phó bạo lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.