(HNM) - Trải qua hơn 2 năm tập “chay”, không được tập huấn và thi đấu quốc tế, nhưng bộ môn cầu mây Hà Nội vẫn quyết tâm bảo vệ ngôi vị Nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022, đồng thời sẽ góp sức cùng đội tuyển quốc gia thi đấu thành công tại SEA Games 31 và ASIAD 19. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Trưởng bộ môn cầu mây - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Hà Tùng Lập xung quanh các nội dung này.
- Chỉ còn chưa đến 3 tháng nữa là SEA Games 31 diễn ra, cầu mây Hà Nội góp sức thế nào trong thành phần đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho sự kiện thể thao này, thưa ông?
- SEA Games 31 là cơ hội thi đấu quốc tế đầu tiên của cầu mây Việt Nam trong vòng hơn 2 năm qua, nên tất cả đều đặt ra quyết tâm rất cao để đạt thành tích tốt. Hà Nội tiếp tục là đơn vị chủ lực, góp 12 vận động viên (6 nam, 6 nữ), chiếm 50% trong tổng số lực lượng đội tuyển cầu mây quốc gia. Tôi dự đoán, trong tổng số 8 bộ huy chương của cầu mây tại SEA Games 31, chúng ta chỉ có thể tranh chấp Huy chương vàng ở nội dung thi đấu của nữ, còn với đội nam, vào được chung kết đã là tuyệt vời. Vì sao nói vậy? Vì Thái Lan quá mạnh ở tất cả các nội dung, do các vận động viên cầu mây của họ được thi đấu quanh năm. Một số quốc gia khác như Malaysia, Myanmar, Indonesia đều có lực lượng đội nam xuất sắc.
- Với Đại hội Thể thao toàn quốc, cầu mây Hà Nội sẽ phải chịu sự cạnh tranh huy chương ra sao?
- Mục tiêu lớn nhất là chuẩn bị tốt lực lượng, phấn đấu giành từ 4 đến 5 Huy chương vàng trong tổng số 12 bộ huy chương, bảo vệ thành công ngôi vị Nhất toàn đoàn của cầu mây Hà Nội tại Đại hội Thể thao toàn quốc vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, thách thức lớn là hơn 2 năm qua, vận động viên của Hà Nội phải tập “chay”, không được tập huấn, thi đấu ở nước ngoài do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thêm nữa, chúng ta đang trong giai đoạn chuyển giao lực lượng, lứa mới chưa đủ “độ chín” để thay thế các đàn anh, đàn chị. Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh cũng gặp nhiều khó khăn, hầu như không tuyển chọn được ở khu vực nội thành. Ngay ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cũng khó tuyển sinh vì nhiều gia đình không muốn con em mình tập luyện xa nhà trong giai đoạn dịch bệnh.
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh với cầu mây Hà Nội đang vươn lên ngày càng mạnh mẽ, nổi bật là lực lượng của nữ Công an nhân dân, Nghệ An, Đồng Tháp và nam thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Vĩnh Long. Dù Hà Nội có thế mạnh về đào tạo, huấn luyện, nhưng khác biệt ở đây chính là sự đầu tư. Thể thao Thủ đô phải gánh trọng trách nhiều nhiệm vụ quốc gia, nên cần có sự đầu tư đồng bộ ở hơn 40 bộ môn và phân môn, đương nhiên sự đầu tư của từng môn sẽ bị san sẻ ít nhiều. Ngược lại, các địa phương thường chỉ đầu tư một vài môn thế mạnh, nên bảo đảm sự tập trung.
Giải pháp lúc này của cầu mây Hà Nội là tăng cường nghiên cứu các video, clip các trận đấu quốc tế hàng đầu, vận dụng vào thực tế luyện tập. Các huấn luyện viên Hà Nội giàu kinh nghiệm, trưởng thành từ vận động viên phải chủ động tìm tòi, sáng tạo trong huấn luyện, chuyển tải kỹ - chiến thuật cho vận động viên dễ tiếp thu. Dù khó khăn đến mấy, cầu mây Hà Nội phải phát huy truyền thống là “cái nôi” phát triển của cầu mây ở Việt Nam, nỗ lực tiếp bước đàn anh, đàn chị. Tuyệt đối không thể giậm chân tại chỗ!
- Cầu mây là môn thường xuyên có trong chương trình thi đấu của SEA Games và ASIAD nên được nhiều địa phương đầu tư nhằm tìm kiếm thành tích cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Với kỳ ASIAD 19 - 2022, ông nhìn nhận thế nào về cơ hội của cầu mây Việt Nam?
- ASIAD 19 - 2022 là kỳ thi đấu tầm châu lục cuối cùng của một số vận động viên đã theo tập môn này hơn 10 năm qua và từng giành Huy chương bạc, Huy chương đồng tại ASIAD 18 - 2018, vì vậy, chắc chắn các em sẽ nỗ lực hết mình để tái lập chiến tích đoạt Huy chương vàng mà các đàn chị Lưu Thị Thanh, Nguyễn Thị Hải Thảo, Nguyễn Bích Thùy từng giành được tại ASIAD năm 2006.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.