Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu Long Biên - ký ức và hiện tại

T.Minh| 22/12/2011 09:35

(HNMO)- Cầu Long Biên- cây cầu huyền thoại với hơn 100 tuổi đã chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm trong lịch sử Thủ đô Hà Nội cận đại và trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của mảnh đất Hà thành.



(HNMO)- Cầu Long Biên- cây cầu huyền thoại với hơn 100 tuổi đã chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm trong lịch sử Thủ đô Hà Nội cận đại và trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của mảnh đất Hà thành. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ nhân triển lãm hội họa tại chiến khu Việt Bắc năm 1951 và kỷ niệm 65 ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), cuộc triển lãm tranh mang tên “Cầu Long biên- Ký ức và hiện tại” vừa được trưng bày tại nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Hà Nội (93 Đinh Tiên Hoàng, HN). Chương trình do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội và Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội phối hợp tổ chức.

Cuộc triển lãm lần này quy tụ 169 tác phẩm hội họa và 2 tác phẩm điêu khắc của các họa sĩ hội viên hội Mỹ thuật Hà Nội. Những nhịp cầu khỏe khoắn và thanh thoát mang dấu ấn của thời kỳ đầu cách mạng công nghiệp thế giới bắc ngang sông Hồng đỏ nặng phù sa luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, những bản nhạc bất hủ cho nhiều thế hệ công chúng thủ đô thưởng ngoạn.



Người xem được ôn lại bản anh hùng ca bi tráng của một Hà Nội anh dũng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc với nhiều sự kiện gắn với cầu Long Biên. Đó là hình ảnh người Hà Nội đi sơ tán qua cây cầu Long Biên, để lại sau lưng thành phố vắng lặng. Đó là hình ảnh những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên vào ngày 10-10 năm 1954. Đó là hình ảnh những trận địa pháo ven sông Hồng gần cầu Long Biên luôn sẵn sàng đánh trả những trận không kích của B52 những ngày tháng Chạp năm 1972. Những nhịp bị mất trên cầu Long Biên ngày nay vẫn là vết thương còn đó của bom Mỹ. Các họa sĩ đã không thể quên và họ muốn nhắc nhở thế hệ sau bằng những tác phẩm ghi lại các sự kiện lịch sử đó : họa sĩ Nguyễn Bá Hội vẽ Nhịp cầu thời chiến (khắc gỗ), họa sĩ Nguyễn Minh Hảo vẽ Tạm xa Long Biên (sơn dầu), họa sĩ Phạm Viết Song vẽ Người lính Pháp cuối cùng (sơn dầu), họa sĩ Nguyễn Hải Nghiêm vẽ Chuẩn bị cho trận đánh lớn(sơn dầu), họa sĩ Nguyễn Thế Hữu vẽ Mặt đất bầu trời tháng Chạp,…



Nếu coi lịch sử cây cầu là một bản giao hưởng, thì khúc bi tráng, trầm hùng của chiến tranh đã qua đi, những mảng màu dữ dội của khói lửa chiến tranh giữ lại những kỷ niệm về hình ảnh anh hùng của cây cầu trong hai cuộc kháng chiến, thời kỳ hòa bình bừng sáng những giai điệu tươi vui, những mảng màu ấm áp, tươi sáng như những con sóng dạt dào truyền tải tình cảm của lớp lớp các họa sĩ đưa hình ảnh cây cầu lên tranh. Những nhịp cầu thép khỏe khoắn mang tính công nghiệp thiên về vẻ đẹp mang tính trang trí , nhưng nhìn từ xa chiếc cầu lại thanh thoát mềm mại như một dải lụa điệu đàng vắt ngang sông. Mỗi họa sĩ, mỗi góc nhìn riêng, phong cách tạo hình riêng đã tạo nên cây cầu Long Biên muôn hình muôn vẻ, muôn tâm trạng.

Với bút pháp tả thực nhuần nhị, cố họa sĩ Vũ Giáng Hương nhìn cầu Long Biên từ phía Hà Nội 36 phố phường. Cầu Long Biên như một biểu tượng không thể thiếu của Hà Nội chạy ngang đường chân trời. Họa sĩ Ngọc Linh tối giản cây cầu thành những đường nét hình học khỏe khoắn, hiện đại đặt trong những mảng màu cam, xanh ngọc, hồng tươi sáng. Trong tác phẩm Nắng chiều (acrylic) , họa sĩ Bùi Duy Thông hoàn toàn vẽ theo lối trang trí, đã nâng cây cầu và đàn chim bồ câu trong ánh nắng ửng hồng thành biểu tượng của hòa bình. Họa sĩ Ngô Thành Nhân vẽ tung tảy phóng khoáng với cách nhìn cây cầu như một con rồng với những họa tiết và đốm màu trang trí chuyển động. Với chất liệu sơn mài và gắn gốm mosaic, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy muốn diễn tả sự gắn bó giữa cây cầu và dòng sông, giữa cái tĩnh lặng và chuyển động. Màu sắc hoàn toàn mang tính trang trí, ẩn dụ trong đó chất liệu gốm và sơn mài đều kết tinh từ đất và nước, từ những hạt phù sa sông Hồng. Trong tác phẩm Đất lành (sơn dầu), họa sĩ Lê Đức Biết diễn tả vẻ đẹp thơ mộng của cây cầu mờ ảo giữa trời nước phớt tím biếc trong sự tương phản với khối xanh lục sẫm của bãi giữa sông Hồng. Với cách dùng màu nguyên chất tươi rực rỡ, họa sĩ Nguyễn Trung Sơn vẽ nên một bức tranh toàn cảnh mang đậm chất trang trí của sông Hồng với cầu Long Biên giữa một bên là Hà Nội cổ kính với những mái ngói lô xô, một bên là đô thị hiện đại với những tòa nhà cao tầng đang vươn lên.



Bằng những nhát bút mạnh và biểu cảm, họa sĩ Lê Ngọc Hân diễn tả Đêm cầu Long Biên trong sự tương phản giữa những đường nét kỷ hà đen và sự chuyển động của những vệt màu đỏ, xanh dương cuồng nhiệt. Cũng với bút pháp biểu cảm, thiên về diễn tả cảm xúc hơn tả thực, nữ họa sĩ Phạm Kim Bình vẽ Cầu Long Biên một thời bình yên với những gam màu dịu nhẹ, giàu nữ tính và rất khéo léo trong việc tiết chế sắc độ. Họa sĩ trẻ Lê Thế Anh đã dành nhiều thời gian và tâm sức thể hiện bức tranh sơn dầu khổ lớn ( 120 x 360cm) tả thực cây cầu trong ba góc nhìn đặc trưng nhất. Đó là cầu Long Biên lãng mạn luôn là nguồn cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ, nhưng đó cũng là cây cầu hàng ngày chứng kiến thân phận những người lao động còn vất vả mưu sinh. Cả bức tranh được diễn tả trong tone màu ghi sáng ánh vàng ấm áp. Với kỹ thuật in lưới đồ họa, họa sĩ Lê Huy Tiếp diễn tả Cầu Long Biên mùa xuân với bầu trời ửng hồng những cánh chuồn đỏ phảng phất tính siêu thực. Họa sĩ Đặng Thị Bích Ngân diễn tả tâm trạng cây cầu thông qua bố cục và tone màu : Cầu Long Biên vui khi gặp những nụ cười và Cầu Long Biên buồn khi mùa nước cạn.

Có nhiều tác phẩm diễn tả cuộc sống sinh hoạt phong phú của người dân Hà Nội ven sông Hồng. Cây cầu gắn liền với lịch sử cách mạng, những kỷ niệm sống, tình yêu, hạnh phúc của người Hà Nội và chứng kiến biết bao đổi thay của Thủ đô văn hiến. Với sự đa dạng của chất liệu : sơn mài, gốm, sơn dầu tranh khắc, đồ họa, cắt dán vải, đồng, gỗ,…các họa sĩ đã làm nên một bộ sưu tập phong phú về hình tượng cây cầu Long Biên, một trong những biểu tượng văn hóa không thể thiếu của thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cầu Long Biên - ký ức và hiện tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.