Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu lạc bộ B93: Trăn trở tìm hướng đi

Quỳnh Anh| 10/01/2012 06:35

(HNM) - Câu lạc bộ (CLB) B93 ra đời đã trở thành điểm tựa vững chắc cho những người một thời lầm lỡ với "nàng tiên nâu", góp phần không nhỏ trong việc cai nghiện, bớt đi các hành vi vi phạm pháp luật, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thế nhưng, hiện CLB B93 đang "chết" dần vì không thu hút được người sau cai nghiện đến sinh hoạt. Làm thế nào để vực dậy hoạt động của CLB? Đó là trăn trở của các chuyên gia, lãnh đạo CLB B93, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội.

Thời hoàng kim... chưa xa

Năm 1996, cán bộ, nhân dân phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội có sáng kiến thành lập CLB sau cai. Những người sau cai nghiện ma túy sinh hoạt ở CLB được trang bị những kiến thức cơ bản về ma túy, tác hại của ma túy trong đời sống xã hội, các biện pháp phòng ngừa tái nghiện và lây nhiễm HIV/AIDS, được học nghề và tạo việc làm... Kết quả, CLB đã thu hút được đông đảo người sau cai nghiện ma túy đến sinh hoạt, nhiều người đã trưởng thành từ CLB, có cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc.

Một điểm rửa xe máy của CLB B93 phường Thành Công. Ảnh: Trung Kiên

Thành công của CLB sau cai phường Nguyễn Trung Trực là cơ sở để năm 2000 TP Hà Nội thực hiện thí điểm: "Mô hình quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng" hay còn gọi là CLB B93 tại 5 đơn vị. Theo đó, mỗi CLB quản lý 5-10 người sau cai nghiện, tổ chức sinh hoạt ít nhất một lần/tuần và duy trì được 70% số thành viên của CLB không sử dụng ma túy. Một năm sau, nhận thấy tác động tích cực của CLB B93, TP tiếp tục mở rộng tới 15 đơn vị và đến năm 2003 lên tới 101 đơn vị với 939 người sau cai tham gia sinh hoạt. Tỷ lệ tái nghiện 30,7% thấp hơn rất nhiều so với các hình thức quản lý sau cai khác tại cộng đồng. Từ kết quả này, TP đã quyết định tiếp tục đầu tư và khuyến khích các địa phương thành lập CLB B93. Năm 2006, toàn TP đã có 111 CLB B93 hoạt động.

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, mô hình CLB B93 được tổ chức khá chặt chẽ về quy mô và cơ cấu tổ chức. Nội dung sinh hoạt của CLB B93 tập trung tuyên truyền nâng cao hiểu biết và phòng chống tái nghiện; xây dựng lòng nhân ái, bao dung trong cộng đồng với người sau cai nghiện; giúp họ có việc làm ổn định, hiểu biết giá trị lao động và biết quý trọng đồng tiền của mình làm ra. Thông qua CLB B93, nhiều xã, phường đã chủ động tìm kiếm việc làm cho hội viên, giúp họ có thu nhập ổn định như ở phường Vĩnh Tuy, thị trấn Đức Giang, phường Nguyễn Trung Trực, phường Mai Dịch... Đơn vị có nhiều sáng tạo trong hoạt động và đạt kết quả rất đáng khích lệ như ở phường Hàng Da, phường Kim Mã…

Để vực dậy hoạt động của các CLB B93

Ông Nguyễn Đình Hiền, Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết, dù được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn, kể cả nguồn từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhưng vài năm trở lại đây hoạt động của các CLB B93 có chiều hướng đi xuống. Số buổi sinh hoạt, số hội viên tham gia sinh hoạt giảm. Nhiều CLB B93 không vận động được người sau cai tham gia sinh hoạt, không tổ chức sinh hoạt theo mục tiêu của CLB mà thành phố đã đề ra. "Năm 2010, TP hỗ trợ 110 CLB B93 hoạt động. Cuối năm 2010, một số CLB chấm điểm 2 năm liền loại C nên năm 2011 TP chỉ hỗ trợ cho 101 CLB B93 hoạt động. Trong số những CLB này, có rất nhiều CLB không còn khả năng vận động, quản lý hội viên cũng như tổ chức và duy trì hoạt động. Kết quả đánh giá 6 tháng đầu năm 2011 cho thấy, chỉ có 50 CLB duy trì sinh hoạt 2-3 buổi/tháng. Số CLB duy trì sinh hoạt 1 buổi/tuần là 27/101 CLB, chiếm 26,7%. Chỉ có 35 CLB đoạt loại A, còn lại là 39 CLB loại B, 25 CLB loại C...", ông Nguyễn Đình Hiền cho hay.

Làm thế nào để các CLB duy trì được hoạt động, thu hút hội viên đến sinh hoạt? Những người có trách nhiệm ở Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá CLB B93. Kết quả cho thấy nguyên nhân của tình trạng trên là do ngân sách hoạt động của các CLB B93 vốn đã ít lại quá dàn trải để đáp ứng các mục tiêu đã đề ra; ban chủ nhiệm nhiều CLB không đủ năng lực quản lý; CLB không cung cấp đủ các dịch vụ mà các thành viên cần... Giải quyết được các nguyên nhân này, đòi hỏi các CLB phải có sự thay đổi cho phù hợp. Thực tế cho thấy, bên cạnh những CLB B93 đang dần "chết yểu", có những CLB hoạt động rất mạnh. Đơn cử như CLB B93 ở phường Nguyễn Trung Trực, trong quá trình hoạt động gặp phải không ít khó khăn về kinh phí thế nhưng vẫn thu hút được 10-14 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Có được điều này, Ban chủ nhiệm cùng với tình nguyện viên kết hợp với các bậc ông bà, cha mẹ lấy tình thương, sự tận tâm để giúp những người sau cai xóa dần mặc cảm, tự ti, mạnh dạn tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do các đoàn thể tổ chức. CLB hết sức tránh cụm từ "con nghiện", "ết" đã làm cho các hội viên cảm thấy thoải mái, tự tin.

Kinh nghiệm của những CLB B93 hoạt động mạnh và hiệu quả là phải có sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền cơ sở. Sau đó, CLB cần một đội ngũ cán bộ tâm huyết tham gia điều hành, những tình nguyện viên nhiệt tình, năng động. Nói như bà Tuyết Phương, ở CLB B93 phường Nguyễn Trung Trực: "Chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực sự vào cuộc, công tác quản lý người nghiện chắc chắn sẽ thành công".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Câu lạc bộ B93: Trăn trở tìm hướng đi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.