Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện vượt giới hạn bản thân của “Chàng hải âu kỳ diệu”

Hạ Yến| 25/12/2022 08:05

(HNMO) - Lấy cảm hứng từ chính những chuyến bay trong cuộc đời phi công của mình, nhà văn Richard Bach đã mang đến cho độc giả câu chuyện tuyệt vời về một chú chim hải âu. Mới đây, bản dịch tiếng Việt cập nhật đầy đủ nguyên tác “Chàng hải âu kỳ diệu” đã được ra mắt bạn đọc.

Với hơn 60 triệu bản sách được bán, Richard Bach là một trong những tác giả được yêu thích nhất thế giới. Ông có 11 đầu sách và câu chuyện về chú chim âu là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. 

Tuy nhiên trước đó, số phận của cuốn sách "Chàng hải âu kỳ diệu" cũng thật… kỳ diệu. Bản thảo tác phẩm đã bị nhiều nhà xuất bản từ chối trước khi được xuất bản vào năm 1970. Sau khi xuất bản, các kênh phát hành sách của nước Mỹ không xác định được cuốn sách này thuộc thể loại nào, sách văn học, sách nhiếp ảnh, sách rèn luyện bản thân hay sách thiếu nhi. 

Nhưng bất kể mọi cách xếp loại, 2 năm sau khi xuất bản, "Chàng hải âu kỳ diệu" đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất, theo nhật báo The New York Times, vẫn tiếp tục được tái bản cho đến nay và được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ trên thế giới. Vậy điều gì làm nên sức hút của chàng hải âu Jonathan?

“Hầu hết hải âu chỉ cần học những điều đơn giản nhất về việc bay - làm thế nào để đi từ bờ đến nơi kiếm ăn và quay lại. Đối với chúng, điều quan trọng không phải là bay mà là ăn. Thế nhưng, với chú hải âu này, không phải việc ăn mà là việc bay mới quan trọng. Hải âu Jonathan Livingston thích bay hơn hết thảy mọi điều” - tác giả Richard Bach viết.

Jonathan có niềm say mê lớn với bay, trong khi các thành viên trong đàn kiếm ăn bằng việc bay theo những thuyền đánh cá, thì Jonathan chỉ chăm chăm mỗi một việc bay. Cho dẫu đàn hải âu, và ngay cả bố mẹ của Jonathan cũng bày tỏ nhiều lo lắng, và cho dẫu chính mình không ít lần đã có ý định buông xuôi, cuối cùng Jonathan vẫn không bỏ cuộc.

“Sống để bay” hay “bay để sống”? Khát khao hoàn toàn tự do bay lượn cùng niềm tin vào bản thân mình đã cứu vớt Jonathan những phút giây nản chí, từ đó làm nên một cá thể riêng, có ý chí và trách nhiệm. Suốt ngày đơn độc tập đi tập lại hàng trăm lần nhiều tư thế khác nhau, bay chậm là là mặt nước, bay với tốc độ cao, bay ở thế nhào lộn,... Jonathan tìm thấy vẻ đẹp và cảm giác vĩ đại khi bay mà những con hải âu khác sẽ không bao giờ biết được.

Thách thức lớn nhất là vượt qua chính mình, hành trình của Jonathan là hành trình vượt qua giới hạn của bản thân để theo đuổi ước mơ, không ngừng học hỏi và chịu trách nhiệm cho các lựa chọn của mình. Được thể hiện một cách sinh động qua hình ảnh chú hải âu dễ thương, nhân vật Jonathan để lại cho mỗi người đọc bài học tích cực tìm thấy cái đẹp trong mỗi con người, sự vật, hiện tượng...

"Chàng hải âu kỳ diệu" không hẳn là cuốn sách dành cho tuổi nhỏ, nhưng là một câu chuyện ngụ ngôn truyền cảm hứng tích cực cho trẻ em. Và với người đọc trưởng thành, những triết lý đậm chất phương Đông trong tác phẩm là một trong sức hấp dẫn lớn: “Con sẽ bắt đầu chạm đến thiên đường, Jonathan ạ, ngay lúc mà con chạm đến tốc độ hoàn hảo. Và đó không phải là hàng nghìn cây số giờ, hay triệu cây số giờ, hay bay với tốc độ ánh sáng. Bởi vì bất kỳ con số nào cũng là một giới hạn, còn sự hoàn hảo không có giới hạn. Tốc độ hoàn hảo, con ơi, chính là việc tới đích”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện vượt giới hạn bản thân của “Chàng hải âu kỳ diệu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.