(HNMO) - Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có Công văn số 2568/CVT-TNTK ngày 29-6 về việc thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác gửi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.
Đây là biện pháp ngăn chặn tình trạng cuộc gọi quấy rối (cuộc gọi rác) gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người dân có chiều hướng ngày càng gia tăng. Đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (người sử dụng dịch vụ viễn thông) và bảo đảm thị trường viễn thông phát triển bền vững, lành mạnh.
Theo đó, Cục Viễn thông cùng các doanh nghiệp thống nhất 5 tiêu chí để xác định cuộc gọi rác gồm: Tần suất thực hiện cuộc gọi; tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn; tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn; tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ; đặc điểm hành vi sử dụng. Các tiêu chí này được sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu (big data) và máy học (machine learning) để nhận diện thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác.
Cùng với các tiêu chí trên, Cục Viễn thông cũng đưa ra cách thức để nhà mạng ngăn chặn cuộc gọi rác theo 4 bước. Trong đó, sau khi nghi ngờ thuê bao phát tán cuộc gọi rác, nhà mạng thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng đã nhận cuộc gọi nghi ngờ có hành vi thực hiện cuộc gọi rác (thu thập qua tin nhắn và khách hàng có thể trả lời bằng cách nhấn nút có hoặc không).
Việc ngăn chặn thuê bao thực hiện cuộc gọi rác dựa trên số lượng phản hồi (theo quy định) càng nhiều càng tốt từ khách hàng sẽ được nhà mạng chặn chiều gọi đi của thuê bao phát tán cuộc gọi rác...
Các nhà mạng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi phát tán cuộc gọi rác để bảo vệ người tiêu dùng (được quy định tại Điểm b, a và d, Khoản 2, Điều 13, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).
Trong đó, nhà mạng xây dựng, phát triển giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng. Từ chối cho tổ chức, cá nhân, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý nếu việc sử dụng có khả năng dẫn đến quấy rối người tiêu dùng. Ngừng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp doanh nghiệp viễn thông không thực hiện biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác thì có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Ngoài ra, Cục Viễn thông cũng nêu rõ, theo Chỉ thị số 01/CT-BTTTT ngày 3-1-2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về định hướng phát triển ngành năm 2020, việc xử lý căn bản các loại rác viễn thông (sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác) là trách nhiệm của người đứng đầu các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông để phát triển thị trường bền vững, lành mạnh.
Cũng theo Cục Viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác từ ngày 1-7-2020. Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam và Tổng công ty Viễn thông MobiFone áp dụng triển khai trước ngày 1-8-2020.
6 công ty cổ phần: Viễn thông di động Vietnamobile, Viễn thông Đông Dương, Viễn thông Hà Nội, Hạ tầng CMC, Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn, Viễn thông FPT triển khai trước ngày 1-10-2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 1-7, đại diện Tổng công ty Viễn thông Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) cho biết, nhà mạng áp dụng chặn cuộc gọi rác trong tháng 7 này. Để chuẩn bị cho việc ngăn chặn, Viettel đã nhắn tin truyền thông cảnh báo đến 71 triệu thuê bao di động cũng như cảnh báo khách hàng trên website và fanpage của nhà mạng.
Về các biện pháp kỹ thuật, Viettel đã xây dựng các giải pháp tổng đài để kiểm tra thuê bao chủ gọi và các công cụ để phát hiện và chặn lọc các cuộc gọi quốc tế giả mạo, lừa đảo. Rà soát các đầu số thuê bao theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, của Liên minh Viễn thông thế giới để bảo đảm các số chủ gọi theo quy định đối với cuộc gọi có trong nước và quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.