(HNMO)-Chiều 3-6, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết đồng thời đánh giá những tác động của các FTA này tới nền kinh tế nước ta.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều FTA và đang tham gia đàm phán một số FTA quan trọng khác. Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 10 FTA song phương và đa phương, trong đó có 2 Hiệp định mới ký kết là FTA Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) và FTA Việt Nam-Liên Minh kinh tế Á-Âu. Các FTA mà Việt Nam tham gia trước đây chủ yếu là thông qua Hiệp định giữa ASEAN và đối tác ngoài ASEAN. Do vậy, quá trình tham gia của Việt Nam trong đàm phán được hình thành dựa trên sự đồng thuận của ASEAN nên mức độ cam kết của ASEAN có sự dung hòa với các nước có trình độ phát triển thấp hơn trong ASEAN. Đến nay, Việt Nam đã chủ động hơn khi tham gia các FTA song phương, như: FTA với Chi lê, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu. 4 hiệp định song phương và đa phương quan trọng, gồm Hiệp định Việt Nam-EU, Việt Nam-Bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang được xúc tiến.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, cam kết mở cửa thị trường, trong đó có việc cắt giảm khoảng 90% số dòng thuế với thuế suất cuối cùng về mức 0% vào các thời điểm khác nhau tùy từng FTA, là một trong những nội dung quan trọng mà Việt Nam đã ký kết. Với những FTA đã ký kết với ASEAN, sẽ hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế sớm nhất vào năm 2018. Tuy nhiên, có một số mặt hàng mà Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế trong hầu hết các FTA (chiếm khoảng từ 5-7% số dòng thuế) bao gồm: thuốc lá, rượu bia, xăng dầu, ô tô, một số linh kiện và phụ tùng ô tô, một số mặt hàng sắt thép. Bên cạnh đó, còn có một số mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan (đường, trứng, lá thuốc lá) và các mặt hàng an ninh quốc phòng (vũ khí, thuốc nổ...). Để DN Việt Nam và các cơ quan nhà nước chủ động, tích cực trong việc khai thác hiệu quả những lợi thế mà các FTA mang lại, Bộ Tài chính khuyến cáo, các DN nên chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin các cam kết về hội nhập. Mỗi DN nên tập trung tìm hiểu các mặt hàng mà mình kinh doanh có lộ trình cắt giảm thuế như thế nào để có chiến lược điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp. Từ đó, các DN sẽ tận dụng tốt cơ hội cũng như sẵn sàng cho cạnh tranh. Đối với các cơ quan nhà nước, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền cho DN về các cam kết của Việt Nam, cần rà soát quy hoạch phát triển ngành, vùng phù hợp với tiến trình hội nhập. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, từng bước hoàn thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.