(HNM) - Cả Nghị quyết số 08-NQ/TƯ, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, của Thành ủy Hà Nội về Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo đều nêu rõ một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch.
Thực hiện nhiệm vụ này, cả nước, đặc biệt là Hà Nội, đã chủ động có những biện pháp cụ thể để tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch. Với Hà Nội, đã chủ động hợp tác với kênh CNN để quảng bá hình ảnh, tổ chức các sự kiện, xây dựng các "sản phẩm" du lịch mới qua việc phối hợp các nước, tỉnh, thành phố tổ chức các lễ hội văn hóa, tổ chức lễ hội bơi chải thuyền rồng, tổ chức giải đua F1... Liên tục trong những ngày trước, trong và sau khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 27 đến 28-2, hình ảnh đất nước Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình nói riêng liên tục xuất hiện với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông thế giới. Đó là hình ảnh về một nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, thân thiện, hiếu khách. Đó là hình ảnh về một Thủ đô Hà Nội văn minh, thanh lịch, giàu bản sắc với sự phối hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Đó là những thông điệp, những lát cắt súc tích mà giàu giá trị về vẻ đẹp văn hóa, con người, tự nhiên của dải dất hình chữ S...
Như vậy, đã có thêm một “đường băng”, một “bệ phóng” cho du lịch cả nước nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng cất cánh. Vấn đề là tận dụng hiệu ứng trên như thế nào?
Trong số những điều kiện để phát triển du lịch, sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch, môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông, nguồn nhân lực du lịch, doanh nghiệp du lịch cũng như vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch... đều đóng vai trò quan trọng, trong khi đây lại là điểm yếu cố hữu của ngành Du lịch nước ta. Vì thế, có thể nói, để tận dụng hiệu ứng từ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, có rất nhiều việc phải làm.
Trước hết, cần kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết số 08-NQ/TƯ, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đặt ra, bao gồm: Cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp; có cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để phát triển du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch... Trong đó, hai yếu tố là hạ tầng, cơ sở vật chất và sản phẩm du lịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, để du khách quốc tế “trở đi, trở lại”, họ không chỉ cần được “nghe” mà quan trọng hơn là cần “thấy”, “nhìn”, thụ hưởng...
Thứ hai, với ngành Du lịch Hà Nội, cần có cách làm riêng như Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo đã chỉ ra, nhất là phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô với hàng loạt định hướng, đề án đã định hình, được triển khai thực hiện.
Chính trong quá trình này, trí tuệ, kinh nghiệm, sự sáng tạo của cộng đồng, từ người dân đến doanh nghiệp, là điều kiện thiết yếu để ngành Du lịch tận dụng “hiệu ứng đường băng” và “cất cánh”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.