(HNM) - Hiện nay, cả nước có gần 4.000 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thực phẩm chức năng với hơn 20.000 sản phẩm đã được công bố. Sức ép cạnh tranh khiến doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh việc quảng cáo.
“Lách luật"... để quảng cáo
Trong Thông tư số 08/2013/TT-BYT, ban hành ngày 13-3-2013, về hướng dẫn quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế có nêu rõ điều kiện đối với nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng. Cụ thể, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, poster, áp phích phải bảo đảm nêu đúng công dụng của sản phẩm đã công bố.
Ngoài ra, khi quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng phải có dòng chữ hoặc lời đọc “sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp “lách” quy định này bằng cách đăng thư cảm ơn hay bài viết chia sẻ trải nghiệm của người dùng thực phẩm chức năng.
Người tiêu dùng cần thận trọng khi dùng thực phẩm chức năng để tránh rủi ro. |
Thường thì những bài viết kể về cảm nhận của người dùng, đại ý trước khi sử dụng một loại thực phẩm chức năng nào đó thì khổ sở với bệnh tật như thế nào, nhưng chỉ cần sử dụng sản phẩm trong một khoảng thời gian thì bệnh tình thuyên giảm, thậm chí khỏi hẳn. Những bài viết đó đều dẫn tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh cụ thể của "nhân vật", khiến người tiêu dùng tin rằng loại thực phẩm chức năng được đề cập có công dụng chữa bệnh.
Có thể dẫn ví dụ về "bệnh nổ" nói trên. Không chỉ quảng cáo sản phẩm Ancan được bào chế từ các loại thảo dược quý của Việt Nam, có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị ung thư, các bệnh mạn tính, trên một website còn có mục “Chia sẻ trải nghiệm” dành cho những "nhân vật" đã khỏi bệnh sau khi dùng sản phẩm này. Chẳng hạn, một người có tên Nguyễn Thị Th. (Hà Nội) bị u xơ cổ tử cung vào cuối năm 2013. Bác sĩ chỉ định phải mổ ngay lập tức. Thế nhưng, thay vì phẫu thuật, bệnh nhân đã dùng sản phẩm Ancan. Sau 3 tháng sử dụng, bà Th. xét nghiệm lại, kết quả cho thấy khối u còn lại rất nhỏ, không đáng kể. Như thể có phép lạ vậy!
Trường hợp khác là ông Dương Đức Th. (quận Đống Đa, Hà Nội) - người bị tiểu đường đã 15 năm, hằng ngày phải tiêm insulin. Ông Th. sử dụng Ancan trong hơn một tháng, kết quả là chỉ số đường huyết giảm từ 7.6mmol/L xuống còn 4.6mmol/L…
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong số hành vi vi phạm liên quan tới thực phẩm chức năng mà cơ quan quản lý phát hiện được thì vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất; dạng vi phạm thường thấy là quảng cáo khi chưa có sự thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt, ghi nhãn sai quy định. Chỉ tính trong năm 2016, Cục An toàn thực phẩm đã xử lý 89 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 5,7 tỷ đồng, trong đó có 54 cơ sở vi phạm về quảng cáo (chiếm 60,6%).
Xin đừng cả tin!
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã ra thông báo về việc website https://bwl-store.com và http://123giatot.com vi phạm quy định khi thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Avance black currant seed oil và Optrimax plum delite (do Công ty TNHH Best World Việt Nam tại đường Võ Thị Sáu, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh công bố) với nội dung chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, một số thông tin về công dụng sản phẩm không đúng với hồ sơ công bố.
Tuy nhiên, khi làm việc với lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, đại diện công ty nói rằng các website đó không phải của họ, công ty không thực hiện quảng cáo bất kỳ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nào trên các trang web này. Do đó, họ không chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo đó.
Chuyện thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng không phải là mới, đã được dư luận cảnh báo trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ngày càng xuất hiện nhiều quảng cáo sai sự thật trên một số website và mạng xã hội. Sự "nở rộ" do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc cơ quan quản lý chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Nguyên nhân khác là sự cả tin của người tiêu dùng, sự thiếu trách nhiệm của một số cơ quan truyền thông khi đăng tải nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, thực phẩm chức năng là nhóm nằm ở “biên giới” giữa thuốc và thực phẩm, có sự giao thoa khiến người này hiểu là thuốc, người kia hiểu là thực phẩm chức năng. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng điều này và ra sức quảng cáo, kết quả là nhiều loại thực phẩm chức năng được xem như thần dược, áp giá “trên trời”.
“Ngay cả trên nhiều đài truyền hình, một số loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là có tác dụng chữa được bệnh này, bệnh kia, đến những giây cuối cùng vẫn phải kèm câu “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, có điều câu quan trọng này được đọc nhanh như gió”, ông Nguyễn Huy Quang nói.
Sự khó trong công tác quản lý là có thật, do nhiều nguyên nhân. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, trong bối cảnh đó, người tiêu dùng cần hiểu đúng, mua đúng, dùng đúng, không nghe tin đồn, không thần thánh hóa công dụng của thực phẩm chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.