Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo thuốc, thực phẩm chức năng chứa chất cấm

An Hà| 15/11/2020 14:42

(HNMCT) - Thời gian qua, việc các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc có chứa chất cấm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hệ lụy đối với sức khỏe từ việc tùy tiện sử dụng các sản phẩm này. Thực tế đó đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý cũng như nhận thức của người tiêu dùng đối với các loại sản phẩm này.

Cẩn trọng khi sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng.

“Ngậm” hóa chất

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận một bệnh nhân nam 56 tuổi nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và đau bụng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là ngộ độc phenformin. 

Theo bác sĩ Lương Tuấn Kiên, khoa Hồi sức tích cực, Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), không thể phủ nhận rằng một số thảo mộc dân gian nếu được sử dụng đúng cách sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận người bệnh tự ý sử dụng các loại đông dược không rõ nguồn gốc để điều trị, khiến tình trạng bệnh không được cải thiện mà còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề với “tỷ lệ tử vong do ngộ độc phenformin lên tới hơn 50%”.

PGS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, gần đây khoa liên tục tiếp nhận các bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau một thời gian tự ý uống viên tiểu đường hoàn để điều trị bệnh tiểu đường, hệ quả là 4 trong số 5 bệnh nhân nhập viện đã tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy các viên tiểu đường hoàn màu xanh hoặc màu đỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác mà các bệnh nhân đã sử dụng đều dương tính với phenformin. Là hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và có khả năng gây chết người nên phenformin đã bị thế giới cấm sử dụng từ năm 1978. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người đã trộn loại chất này làm giả thuốc đông y để bán ra thị trường.

Không chỉ xuất hiện nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, có chứa chất cấm mà thời gian vừa qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều loại thực phẩm chức năng nhập khẩu chứa chất cấm, khiến người tiêu dùng bất an. Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi thông báo về 7 loại sản phẩm của Singapore có chứa chất cấm nguy hại, trong đó có kẹo sâm "cường dương" Hamer, đang được rao bán tràn lan trên các trang mạng, có chứa chất N-desmethyl Tadalafil (chất kích dục). Một số sản phẩm khác chứa chất cấm sibutramine như Coco Curv, Choco Fit, Nutriline Cleansline, Kimiso Dark Chocolate... Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng thông tin về lô sản phẩm viên giảm cân Giáng Ngọc Eva, Health - Belief - Effective Detox Slimming Capsules, trà thảo mộc giảm cân Golean Detox, trà giảm cân Vy&Tea chứa chất cấm sibutramine.

Theo ông Đỗ Văn Đông,  Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), ngày 8-6-2010, Cục Quản lý dược đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu sibutramine. Năm 2011, Cục đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Cục cũng rút đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất sibutramine với lý do đây là loại tân dược không được phép sử dụng trong sản phẩm thực phẩm chức năng bởi có thể làm gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Cẩn trọng khi sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc

Báo cáo từ Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, tình trạng các chế phẩm đông dược giả với những thành phần không rõ ràng vẫn được ghi nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe bảo đảm an toàn, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận, cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm); kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm. Người tiêu dùng không nên mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), sản phẩm được quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội...

Về nguyên tắc, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi lưu thông trên thị trường đều phải được thẩm định về độ an toàn, công dụng. Tuy nhiên, nhằm đánh lừa người tiêu dùng, nhiều cơ sở thực hiện quảng cáo trái phép, thổi phồng chức năng, công dụng của sản phẩm. Cụ thể, bên cạnh các hình thức vi phạm như bán hàng/quảng cáo khi chưa được cấp phép, hiện đã xuất hiện tình trạng quảng cáo, bán hàng online nhiều mặt hàng liên quan đến sức khỏe nhưng không công bố, không đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước. Điều đó khiến sản phẩm chứa chất cấm có cơ hội tới tay người tiêu dùng. Do đó, người dân cần tìm hiểu và kiểm tra kỹ mọi thông tin quảng cáo, cẩn trọng khi sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo thuốc, thực phẩm chức năng chứa chất cấm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.