(HNM) - Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran đang lún sâu thêm vào bế tắc. Mặc dù, ngày 20-12, đại diện của Iran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Ali-Asghar Soltanieh cho biết, Tehran đã mời thanh sát viên IAEA thăm các cơ sở hạt nhân của nước này và sẵn sàng giải quyết các quan ngại về chương trình hạt nhân; tuy nhiên, những căng thẳng trước đó giữa chính quyền của Tổng thống Iran M.Ahmadinejad với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã khiến cố gắng "hòa giải" này trở nên vô vọng.
Eo biển Hormuz có vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến đường biển xuất khẩu dầu mỏ ra thế giới. |
Ngày 20-12, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã mở rộng lệnh trừng phạt Iran khi bổ sung 10 công ty vận tải ở Malta có liên kết làm ăn với Hãng Vận tải biển Cộng hòa Hồi giáo Iran. Lệnh trừng phạt mới này nằm trong nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Cũng liên quan đến vấn đề này, cùng ngày, các nhà ngoại giao Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và các đồng minh đã gặp mặt tại Rome (Italia) để thảo luận trừng phạt thêm Iran, có thể cả lệnh cấm vận dầu mỏ của EU với quốc gia Hồi giáo này. Còn tại Mỹ, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS News, ngày 20-12, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho rằng, Iran có thể có vũ khí hạt nhân trong một năm nữa, hoặc có thể sớm hơn nếu Tehran có cơ sở "che giấu" bí mật. Trước đó, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak (18-12), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết không "loại trừ bất kỳ lựa chọn nào" với Tehran nhằm chấm dứt tham vọng hạt nhân của Iran...
Sức ép trên nhiều phương diện: ngoại giao, kinh tế và cả quân sự đang không ngừng tăng nhằm vào Tehran. Điều này đã và đang đẩy Trung Đông đứng trước nguy cơ một cuộc xung đột lớn.
Căng thẳng giữa Iran và phương Tây leo thêm những nấc thang mới khi tháng 12 này, Tehran tuyên bố đã bắn rơi một máy bay do thám không người lái RQ-170 của Mỹ tại miền Đông Iran. Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Iraq (12-12), tại Nhà Trắng, Tổng thống B.Obama đã lên tiếng đòi lại chiếc máy bay nhưng Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton cho rằng, "không mong đợi" Iran sẽ trả lại. Quả nhiên, sau đó, ngày 17-12, Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi đã bác bỏ yêu cầu này; đồng thời tuyên bố số phận của chiếc máy bay sẽ do nước Cộng hòa Hồi giáo quyết định. Đây là một thiệt hại đáng kể của quân đội Mỹ. Các quan chức Mỹ đưa ra nhiều nhận định khác nhau về mức độ thiệt hại khi Iran can thiệp vào chiếc máy bay. Người ta lo ngại sẽ có những máy bay tương tự RQ-170 ra đời nhưng không phải trên lãnh thổ Mỹ.
Mâu thuẫn Mỹ - Iran sau vụ việc đã làm trầm trọng thêm tình hình khi Tehran tuyên bố sẽ theo đuổi vụ kiện máy bay Mỹ xâm phạm không phận và đã kiến nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Phong trào Không liên kết (NAM). Cùng với đó, chính quyền của Tổng thống M.Ahmadinejad tuyên bố sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nếu nước này bị cấm xuất khẩu dầu. Ngày 18-12, thành viên Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Quốc hội Iran là Parviz Sorouri, cho biết, Tehran có kế hoạch thao dượt khả năng đóng cửa eo biển Hormuz và chỉ rõ, "nếu thế giới muốn khu vực này trở nên bất ổn, chúng tôi sẽ khiến thế giới bất ổn".
Đây được xem là một cảnh báo nguy hiểm. Trước hết, về địa - chiến lược, Hormuz là một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới cho việc xuất khẩu các sản phẩn dầu và dầu lửa của các nước vùng Vịnh. Đây là nơi 17% lượng dầu thô trên toàn thế giới vận chuyển qua, chiếm xấp xỉ 1/3 tổng số giao dịch dầu mỏ bằng đường biển. Nếu việc đóng cửa eo biển Hormuz không những khiến giá dầu trên thế giới chao đảo mà còn gây hệ lụy - châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng dây chuyền vô cùng khủng khiếp, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa thoát khỏi cơn bĩ cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.