(HNM) - Hai trường hợp chị em sinh đôi bị ngộ độc do ăn thịt cóc, trong đó người chị đã tử vong, còn người em được điều trị tại Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) xảy ra mới đây một lần nữa cảnh báo mức độ nguy hiểm của thịt cóc.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong số các vụ tử vong do ngộ độc thực phẩm được ghi nhận trên địa bàn cả nước thời gian qua, có những trường hợp do độc tố tự nhiên (có trong cóc, cá nóc…), vì vậy, người dân cần phải cảnh giác mỗi khi sử dụng sản phẩm này.
Bệnh nhi ở tỉnh Hòa Bình bị ngộ độc sau khi ăn thịt cóc đang điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. |
Nhiều độc tố gây chết người có trong cóc
Rủ nhau đi bắt cua, hai chị em song sinh (11 tuổi ở Hòa Bình) có bắt được một con cóc nên đã mang về làm thịt, nấu cho nhau ăn. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng, cả hai chị em cùng có biểu hiện nôn liên tục, đã được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Đáng tiếc, người chị bị ngộ độc nặng hơn nên đã không qua khỏi; người em được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xác định, bệnh nhi bị ngộ độc do ăn thịt cóc có biến chứng rối loạn nhịp tim. Sau những ngày được các bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực, hiện tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã cải thiện.
Trước đó, trên địa bàn cả nước từng ghi nhận không ít trường hợp tử vong do ăn thịt cóc. Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, thịt cóc chứa nhiều đạm và kẽm, thường được người dân chế biến cho trẻ ăn, hy vọng chữa bệnh còi xương, suy dinh dưỡng. Thịt cóc không chứa độc tố, nhưng nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố, trong đó có độc tố chết người như tetrodotoxin.
Ngoài ra, trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin - một chất cực độc, dễ gây chết người. Khi chế biến, đun nấu ở nhiệt độ cao, độc tố trong cóc cũng khó bị phân hủy. Do vậy, nếu sơ chế thịt cóc sai quy trình có thể dẫn tới ngộ độc, thậm chí tử vong.
Theo Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế), có nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải thịt cóc bị nhiễm độc tố: Nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc có chứa chất độc. Nếu độc tố cóc xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ra ngộ độc cấp tính. Còn khi độc tố hấp thụ qua da gây ra dị ứng, hoặc bắn vào mắt, niêm mạc sẽ gây bỏng rát ở mắt, niêm mạc…
Cũng theo Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 đến 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia), với các biểu hiện như: Trướng bụng, đau bụng trên rốn, kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, trụy tim mạch… Thậm chí, kèm theo biểu hiện huyết áp lúc đầu cao, sau đó tụt xuống cùng với rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp.
Không tự ý làm thịt cóc để ăn
Ngoài lợi ích mang lại cho sức khỏe của con người, thịt cóc có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Để đề phòng ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc, Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng khuyến cáo, người dân chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.
Nếu muốn sử dụng thịt cóc để ăn cần loại bỏ cóc tía (cóc có mắt màu đỏ). Khi chế biến thịt cóc phải tuân thủ theo đúng quy trình: Cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch, chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm.
Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, để hạn chế ngộ độc, tốt nhất các gia đình không nên tự ý làm thịt cóc để ăn. Trên thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định, nhưng ăn lại nguy hiểm, nếu sơ suất trong quá trình chế biến. Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, những chất này có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Còn thịt, mỡ cóc không có độc tố nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến vẫn có thể nhiễm độc.
Ngoài ra, cóc rất bẩn, có nhiều giun sán, ký sinh trùng… Người dân cũng không nên sử dụng các sản phẩm từ thịt cóc chế biến sẵn, do không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tuyệt đối không ăn nội tạng, trứng cóc. Khi gặp trường hợp bị ngộ độc thịt cóc cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, chữa trị kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.