Theo dõi Báo Hànộimới trên

Càng khó khăn càng phải siết chặt kỷ cương

Vân An| 24/10/2013 11:46

(HNMO) – Thảo luận tại tổ sáng 24/10 về tình hình kinh tế - xã hội đất nước năm 2013 và kế hoạch phát triển 5 năm (2011-2015), các đại biểu đoàn Hà Nội ghi nhận nhiều “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế vĩ mô nhưng nhấn mạnh, công tác chỉ đạo, điều hành thời gian tới cần phải siết chặt kỷ cương hơn nữa.


Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015): kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015 là những nội dung được các đại biểu Quốc hội dành trọn thời gian của ngày làm việc thứ tư để thảo luận. Cùng tham gia thảo luận tại đoàn Hà Nội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đánh giá chung về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm qua, các đại biểu cơ bản tán thành với những nhận định trong báo cáo của Chính phủ. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, việc Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng, đạt được các mục tiêu cơ bản của năm 2013, giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá… có thể coi là những “điểm sáng”.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đánh giá, xem xét lại mức độ chuẩn xác của các con số trong báo cáo.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, báo cáo của Chính phủ vẫn “hơi hồng”. Chúng ta cần lạc quan nhưng cũng phải thấy hết khó khăn, bởi chỉ khi con người thấy cơ thể mình mắc bệnh như thế nào thì mới có cách chữa bệnh hiệu quả.

“Có những con số khiến tôi băn khoăn, như năm nay chúng ta đạt mức tăng trưởng GDP là 5,4% nhưng thất thu ngân sách lại hụt thu hơn 63.000 tỷ đồng. Như vậy phải chăng là có sự mâu thuẫn? Chính phủ cần phải rà soát lại các con số”, đại biểu Quyền nói.

Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, nhưng đại biểu Đinh Xuân Thảo cũng đề nghị, trong từng lĩnh vực cụ thể, phải đánh giá xem mức độ chính xác của những con số là bao nhiêu.

“Tôi ví dụ, chúng ta phải xem lại đánh giá về “tái cơ cấu kinh tế đạt kết quả bước đầu”. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng đúng là có chuyển động cụ thể, tích cực nhưng về tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại DN nhà nước thì chưa có chuyển biến nhiều. Muốn tái cơ cấu, cần lượng tiền lớn nhưng thực tế ta không có”, đại biểu Thảo nói.



Dẫn chứng một số liệu liên quan đến bội chi, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường nêu vấn đề: "Năm nay, bội chi ngân sách của chúng ta tăng so với chỉ tiêu đề ra nhằm mục đích thúc đẩy kinh tế là đúng, nhưng vấn đề đặt ra là kỷ luật thực thi ngân sách, con số chênh so với chỉ tiêu được giao do ai quyết, lấy nguồn từ đâu?".

Đại biểu Bùi Thị An cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại các con số, thống kê của các ngành, địa phương để có sự thống nhất.

“Mọi ngành, mọi nơi đều thích thành tích nên đôi khi báo cáo không thật. Những gì liên quan đến thành tích thì đều tăng cao, liên quan đến khuyết điểm thì đều giảm”, đại biểu An nói.

Đại biểu An cho rằng, thước đo chính xác nhất cho sự phát triển là phải lấy chất lượng cuộc sống của người dân làm chuẩn.

Về các giải pháp cho năm 2013 và thời gian tới, các đại biểu cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các DN đình đốn, thất nghiệp nhiều…, một trong những yếu tố quan trọng trong lãnh đạo, điều hành là phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, lấy chất lượng nguồn lực, bao gồm cả phẩm cách, là giải pháp mang tính đột phá.

“Chúng ta đã có quá nhiều giải pháp, vấn đề là phải hành động, nói đi đôi với làm. Tôi đề nghị trong thời gian tới, chúng ta phải thắt chặt tất cả chi tiêu kể cả về hành chính và đầu tư, những dự án đã duyệt nhưng không hiệu quả trong thời gian trước mắt thì kiên quyết dừng”, đại biểu Quyền nói.

Chia sẻ với đại biểu Quyền, đại biểu Bùi Thị An nói: “Vừa rồi chúng ta có quá nhiều cái vỡ: vỡ đập, vỡ đê, vỡ hụi…. Chính phủ phải xem xét lại hiệu lực quản lý”.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo, Phạm Huy Hùng, Nguyễn Bắc Son cũng ủng hộ đề nghị này. Ông Hùng nhấn mạnh thêm, chúng ta cần chấp nhận tăng trưởng chậm trong ngắn hạn để tạo sự tăng trưởng vững chắc cho trung và dài hạn.

“Những tháng còn lại của năm và thời gian tới, chúng ta nên tiếp tục thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, nâng cao năng lực hoạt động của các ngân hàng thương mại, giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho các DN, tăng cầu, tăng sức mua, đặc biệt là giải phóng hàng tồn kho bất động sản”, đại biểu Hùng nói.

“Chúng ta đang yếu về đạo đức, lối sống văn hóa, kỷ cương đất nước. Cần phải có đột phá về xây dựng kỷ cương phép nước, tạo đời sống văn hóa, tinh thần phong phú cho nhân dân, đặc biệt là đạo đức xã hội, tình người, đạo lý”, đại biểu Son nói.

Chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và phương hướng thời gian tới của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Càng khó khăn càng phải siết chặt kỷ cương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.