(HNM) - Cách đây hơn 1 tuần, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó ít ngày, thành phố Hà Nội yêu cầu dừng các hoạt động không thiết yếu, như hàng quán ăn uống tại chỗ, cắt tóc, gội đầu… Lý do mà cả hai thành phố lớn, đầu tàu kinh tế của cả nước, cũng như nhiều địa phương khác, phải siết chặt hơn biện pháp phòng, chống dịch là do số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do ca nhiễm xâm nhập, lây lan. Tại Hà Nội, nhiều hộ gia đình kinh doanh bắt đầu lo lắng khi sinh kế bị ảnh hưởng. Tình thế này khiến thành phố và cả nền kinh tế, cả xã hội chắc chắn sẽ khó khăn hơn. Thế nhưng, lợi ích kinh tế trước mắt buộc phải hy sinh vì lợi ích lâu dài hơn là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế vẫn tăng trưởng 5,64%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 58,2% so với dự toán; kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu tiếp tục phát triển; đời sống nhân dân ổn định; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Điều đó cho thấy nỗ lực lớn của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; cho thấy bản chất tốt đẹp của chế độ và tinh thần yêu nước, đoàn kết của dân tộc đang được phát huy cao độ.
Điều đó càng rõ hơn khi chúng ta ứng phó với dịch Covid-19 bằng tâm thế chủ động, quyết liệt, linh hoạt. Vẫn là cách ly sớm, truy vết nhanh, nhưng việc khoanh vùng áp dụng biện pháp giãn cách lại khác, cố gắng thu hẹp tối đa, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế - xã hội. Các cơ quan chức năng chọn cách khó hơn để làm với tinh thần chống dịch để bảo vệ sản xuất, duy trì sản xuất để có nguồn lực làm tốt công tác chống dịch.
Nhưng dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm hơn, có thể còn lan rộng, kéo dài, khiến nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn. Sức chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp cũng đang có chiều hướng bị suy giảm. Trong khi đó, phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Vì thế, khó khăn trong thời gian tới lại càng lớn hơn, buộc chúng ta sẽ phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn.
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, diễn ra chiều 8-7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước đã tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, Trung ương cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước vẫn đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức mới và lớn, thậm chí gay gắt hơn. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa.
Nỗ lực ở đây trước hết là nhanh chóng kiềm chế đà lây lan của dịch Covid-19. Chúng ta đã chọn đúng phương án, cách thức ứng phó nhưng cần phải nhanh hơn, thần tốc hơn và cần sự nỗ lực, ủng hộ của cả xã hội cũng như mọi tầng lớp nhân dân.
Nỗ lực ở đây là khắc phục cho được những yếu kém, tồn đọng của nền kinh tế; duy trì cho được hoạt động sản xuất, kinh doanh, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng; là khơi thông thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất, nhập khẩu hàng hóa, là giải ngân nhanh vốn đầu tư công - những động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Nỗ lực ở đây còn là cả đổi mới tư duy cũng như hành động, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, biến khó khăn, thách thức thành động lực phấn đấu, vươn lên.
Trong khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu cao hơn nữa, quán triệt đầy đủ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để xây dựng và thực hiện thật tốt các kế hoạch, mới có thể hoàn thành thắng lợi mục tiêu tổng quát của cả nhiệm kỳ, đó là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo…, để đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; từng bước xây dựng xã hội có trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm an sinh và phúc lợi, mang đến cuộc sống yên bình và hạnh phúc cho nhân dân… Càng khó khăn càng phải phấn đấu, nỗ lực, ý chí quyết tâm ấy của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bảo đảm hoàn thành được mục tiêu đã đề ra.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.