(HNM) - Từ ngày 1-6, Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT (Thông tư 50) của các bộ Y tế, Tài chính, Công thương hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc chính thức có hiệu lực.
Đó là mục tiêu hướng tới của các cơ quan quản lý. Song, như phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực này, e rằng Thông tư 50 chỉ là "chiếc bình" mới còn "rượu" ở bên trong lại chưa có những đổi mới cần thiết nhằm quản lý chặt chẽ một lĩnh vực đầy phức tạp như thị trường thuốc chữa bệnh hiện nay.
Cụ thể, theo Thông tư 50, Bộ Y tế phải xây dựng giá tối đa cho từng mặt hàng thuốc đang lưu thông trên thị trường. Điều đó có khả thi khi hiện tại thị trường thuốc có tới 22.000 mặt hàng với hơn 1.500 hoạt chất, mỗi hoạt chất lại có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, nhà sản xuất, nước sản xuất khác nhau...?
Bên cạnh đó, Thông tư 50 quy định, mỗi lần xem xét kê khai hoặc kê khai lại giá thuốc phải do tổ công tác liên ngành gồm đại diện cơ quan quản lý y tế, cơ quan tài chính và cơ quan công thương cùng tiến hành xem xét. Cơ sở xem xét là chi phí nhập khẩu, giá thành toàn bộ, chi phí lưu thông thuốc, mặt bằng giá thuốc trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới, biến động của các yếu tố chi phí đầu vào như nguyên liệu, nhiên liệu, tỷ giá cùng các chi phí khác. Với hàng chục, thậm chí hàng trăm "gạch đầu dòng" trong những mục đó, liệu lực lượng chức năng có đủ sức đối chiếu để chỉ ra đâu là giá chuẩn, đâu là giá ảo?
Hiện nay trên thị trường, thuốc nhập khẩu chiếm hơn 50% thị phần. Thông tư 50 quy định, ngay khi nộp hồ sơ đăng ký mới thuốc nước ngoài, DN nhập khẩu phải đăng ký giá nhập khẩu đến cảng (giá CIF) dự kiến. Giá thuốc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ bao gồm giá bán của nước xuất khẩu thuốc, chi phí bảo hiểm, cước vận chuyển đến cảng của Việt Nam, không bao gồm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, giá CIF khi kê khai với các cơ quan quản lý thường đã bị DN "phù phép" bởi hành trình của thuốc trước khi về Việt Nam đã được buôn bán lòng vòng ở nước ngoài, thậm chí đó là sự lòng vòng do DN tự nghĩ ra và kê khai. Nhưng vấn đề là ở chỗ, chúng ta không biết được giá gốc của thuốc là bao nhiêu để "không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam" mà Luật Dược cũng như Thông tư 50 đã quy định. Trên thực tế, vấn đề này từ năm 2007 đã được giao cho Cục Quản lý dược phối hợp với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài khảo sát giá thuốc ở nước ngoài để có căn cứ so sánh nhưng không thực hiện được. Do đó, có tình trạng giá thuốc nhập khẩu thực tế thường thấp hơn giá kê khai, nhưng đem so sánh giá nhập khẩu một số mặt hàng với giá bán tại nhà thuốc có loại chênh lệch tới 300%.
Một vấn đề nữa Thông tư 50 cũng không giải quyết được là hiện nay các cơ sở y tế vẫn được phép đấu thầu thuốc. Điều này dẫn đến tình trạng cùng loại thuốc, cùng cơ sở sản xuất nhưng nhà thuốc mỗi bệnh viện bán một giá và luôn cao hơn bên ngoài 13-15%.
Còn rất nhiều phân tích khác, nhưng chỉ xin dẫn chứng một số vấn đề trên để thấy những lo ngại về chuyện "bình mới rượu cũ" khi triển khai thực hiện Thông tư 50 là có cơ sở. Để khắc phục những bất cập tồn tại mà lại có quá nhiều những kẽ hở và những vấn đề không khả thi như vậy liệu có cần ban hành thêm một văn bản mới?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.