(HNM) - Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thời gian qua đã mang lại kết quả đáng kể, với 3.248/4.751 TTHC được tiến hành đơn giản hóa, đạt tỷ lệ 68%. Tuy nhiên, mục đích của việc đơn giản hóa TTHC không chỉ dừng lại ở những con số, mà quan trọng nhất là việc thực thi các quy định, tạo sự thuận lợi cho tổ chức, công dân.
Lộ trình: cụ thể, mục tiêu: chi tiết
Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30) đã đạt được những thành công đáng kể: Lần đầu tiên Việt Nam thiết lập và công bố bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng internet; chuẩn hóa và thống nhất được bộ TTHC cấp huyện, cấp xã theo hướng rút gọn từ 10 nghìn bộ TTHC cấp xã và 700 bộ TTHC cấp huyện xuống còn 63 bộ ở mỗi cấp; Chính phủ đã ban hành 25 nghị quyết để đơn giản hóa gần 5 nghìn TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ, ngành… Đến nay, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và trình Chính phủ, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa 3.248/4.751 TTHC, đạt tỷ lệ 68%.
Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Ảnh: Linh Tâm
Theo dự tính của Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ), khi các phương án đơn giản hóa được thực thi sẽ cắt giảm thời gian, chi phí và rủi ro cho các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện TTHC, với tổng chi phí tiết kiệm được lên tới gần 30 nghìn tỷ đồng/năm. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ Nguyễn Đình Cung: "Để việc cắt giảm TTHC thực sự mang lại hiệu quả trong đời sống xã hội, đòi hỏi lãnh đạo các đơn vị phải có quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn, giải quyết triệt để hơn, phải làm sao để cắt giảm được 50% TTHC (cắt giảm nội dung của các thủ tục chứ không phải là sửa đổi, thay thế)". Cũng theo ông Nguyễn Đình Cung, hiện nay Chính phủ đã ban hành 25 nghị quyết về đơn giản hóa gần 5 nghìn TTHC thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành; nhưng vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu do việc chậm sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam khẳng định: "Những cái "vướng" ở thị trường nước ngoài không bằng "vướng" bởi quy định về TTHC ở trong nước. Đó là một nghịch lý không chấp nhận được. Vì vậy, cần xây dựng đề án cải cách TTHC với lộ trình cụ thể, chi tiết mục tiêu và đối tượng thực hiện".
Chung tay thực hiện
Tại phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng Tư vấn (HĐTV) cải cách TTHC diễn ra ngày 20-10, tại Hà Nội, 27 chuyên gia của HĐTV đều thống nhất: Lâu nay, chúng ta mới đánh giá cải cách TTHC ở góc độ từ trên xuống (từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước), nay nên đánh giá cả từ dưới lên (từ phía người dân, DN) xem có sự chênh lệch không và tại sao? Đồng thời, cần đánh giá ngang, dọc (hiệu quả của các văn bản). Như vậy mới làm tốt được nhiệm vụ tư vấn để cắt giảm thủ tục không còn phù hợp cũng như tư vấn việc xây dựng và ban hành các văn bản mới sao cho hợp lý. Trong việc kiểm soát TTHC sắp ban hành, HĐTV phải làm tròn chức năng đánh giá tác động. Theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam: "Thực chất kiểm soát TTHC là kiểm soát quyền lực hành pháp. Đây là việc khó, cần huy động nhiều đối tượng tham gia vì quyền lực chỉ có hiệu quả khi được kiểm soát bằng quyền lực. Nếu không liên kết, phối hợp thì hiệu quả rất mong manh". Chính vì sự liên kết giữa các cơ quan chức năng không tốt nên tình trạng phổ biến hiện nay là thủ tục liên thông vẫn… "tắc".
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch HĐTV Vũ Đức Đam: "TTHC không phải là tất cả để tạo ra một nền hành chính minh bạch, hiệu quả, vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là không chỉ phát hiện mà còn phải thực hiện, vừa lên tiếng, vừa góp tay vào hành động. Cần xác định những "huyệt điểm" để có giải pháp giải quyết dứt điểm, tập trung cải cách đến cùng. Cải cách TTHC thì tầm nhìn phải bao quát, nhưng hành động phải rất cụ thể. Cải cách TTHC mà không ra kết quả cụ thể thì người dân sẽ mất niềm tin". Hiện nay, Tổ Thư ký của HĐTV đang phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC xây dựng dự thảo tài liệu tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm soát TTHC; đồng thời, HĐTV đang xây dựng kế hoạch giám sát để đánh giá về hoạt động kiểm soát TTHC tại địa phương. Bên cạnh đó, HĐTV cải cách TTHC sẽ sớm thành lập các nhóm công tác để tập trung thảo luận những vấn đề chuyên sâu theo hướng đổi mới, tạo ra hiệu quả thực sự.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Cần sớm tổ chức các cuộc đối thoại công khai, cởi mở giữa những người có quyền quyết định về TTHC (các bộ, ngành, địa phương) với những đối tượng chịu tác động của TTHC (các DN, người dân...) để cùng thảo luận và giải quyết dứt điểm những TTHC cần sửa đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.