(HNM) - Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam đang đối phó với tình trạng
Giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu là nội dung chính được thảo luận tại hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô" do Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức sáng 25-7 tại Hà Nội.
"Bong bóng" tài sản và những hệ lụy
Trong một thời gian dài (từ năm 2004-2007) tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn ở mức trên 8%, tốc độ tăng lý tưởng của một quốc gia đang phát triển. Song những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực khiến đà tăng trưởng của Việt Nam chững lại. Năm 2008, GDP đã giảm xuống 6,23% và từ đó tới năm 2011 liên tục ở mức thấp (từ 5,3 đến 5,89%). Sáu tháng đầu năm 2012, GDP chỉ tăng 4,38%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6-6,5% đặt ra từ đầu năm. Tỷ lệ DN phá sản tăng mạnh, lượng hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm và CPI tháng 7 do Tổng cục Thống kê vừa công bố tiếp tục giảm 0,29%. Những số liệu này cho thấy, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn ảm đạm của thời hậu khủng hoảng tài chính.
Được coi là "nhiệt kế" đo sức khỏe của nền kinh tế, hai thị trường quan trọng là BĐS và chứng khoán cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Giá cổ phiếu, giá BĐS nhanh chóng lao dốc và mất khoảng 2/3 giá trị so với giai đoạn "bong bóng". Báo cáo tài chính của các DN công bố gần đây cho thấy, nhiều DN kinh doanh BĐS có vốn điều lệ lên tới vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng, nhưng chỉ lãi vài tỷ đồng. Đơn cử như Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC), 6 tháng đầu năm chỉ lãi trên 10 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 600 tỷ đồng. Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) có vốn điều lệ trên 1.270 tỷ đồng, Công ty mẹ QCG báo lãi 361 triệu đồng quý II, lũy kế 6 tháng lãi 2,1 tỷ đồng. Báo cáo hợp nhất quý I-2012 cho thấy, QCG lỗ gần 4 tỷ đồng. Các DN BĐS còn lại có lượng hàng tồn kho lên tới hàng nghìn tỷ đồng và riêng QCG lượng tồn kho lên tới 2.846 tỷ đồng…
Theo Giáo sư Ariyoshi Akira, Trường Đại học Tổng hợp Hitotsubashi (Nhật Bản), sau giai đoạn "bong bóng" tài sản "xì hơi", tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm. Tại Nhật Bản, "bong bóng" tài sản được tạo nên do tỷ giá tăng mạnh, lạm phát ở mức thấp khiến chính sách tiền tệ được nới nỏng. Thêm vào đó, chính sách thuế được chính phủ điều tiết theo hướng có lợi cho người bán tài sản, còn hoạt động giám sát ngân hàng lại có nhiều yếu kém. Việc vỡ "bong bóng" tài sản đã khiến kinh tế Nhật Bản giảm từ mức 10,4% (năm 1960) xuống mức 0,6% (năm 2000).
Tại Việt Nam, sau khi "bong bóng" tài sản "xì hơi", nhiều mã cổ phiếu giảm từ vài trăm nghìn đồng xuống vài chục nghìn đồng. Giá nhà, đất trong tình trạng tương tự khi giảm 1/3 giá trị nhưng vẫn không thu hút được nhà đầu tư. Nhiều khoản vay đầu tư chứng khoán, BĐS với lãi suất cao đã trở thành gánh nặng của không ít nhà đầu tư và có nhiều nguy cơ trở thành nợ xấu bởi cả hai thị trường đều ế ẩm, thanh khoản thấp.
"Hồi sức" nền kinh tế bằng giải quyết nợ xấu
Theo công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tỷ lệ nợ xấu được xác định là 8-10%. Tại thời điểm ngày 31-3-2012, con số này là 8,6% tổng dư nợ, tương đương hơn 202.000 tỷ đồng, gần gấp đôi số liệu các tổ chức tín dụng báo cáo. NHNN cho rằng, tình hình nợ xấu hiện không đáng lo, bởi 84,16% nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản và tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng 134,8% tổng nợ xấu. Song các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh BĐS mất giá 30-50% so với cùng kỳ năm ngoái, những khoản nợ xấu sẽ tăng nguy cơ tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, việc giải quyết nợ xấu là hết sức khẩn cấp. Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nợ xấu đã xuất hiện từ năm 2008 sau khi "bong bóng" tài chính, BĐS đổ vỡ và hiện đã trở thành "khối u" của nền kinh tế. Đã đến lúc chúng ta cần giải phẫu ngay "khối u" này, bởi nếu để lâu sẽ gây tắc nghẽn trên thị trường.
Trong khuôn khổ hội thảo ngày 24-7, các chuyên gia đến từ Nhật Bản chia sẻ những kinh nghiệm nhằm giải quyết nợ xấu - một hệ lụy tiêu cực bắt nguồn từ việc vỡ "bong bóng" tài sản. Theo ông Naito Junichi, Chủ tịch Liên đoàn Các quỹ tín dụng Nhật Bản, từ kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng tài chính của Nhật Bản những năm 1990 cho thấy, Chính phủ cần kiềm chế tình trạng giá tài sản (cổ phiếu, BĐS) tăng cao ở giai đoạn sớm. Bởi khi giá tăng quá cao, tín dụng ngân hàng sẽ phình to và dẫn tới "bong bóng". Khi đã hình thành "bong bóng" đổ vỡ sẽ xảy ra. "Bong bóng" càng to tác động của nó càng lớn và những ngân hàng "ôm" nhiều nợ xấu sẽ phá sản. Chính phủ đã phân loại ngân hàng có khả năng phục hồi và rót vốn hỗ trợ. Với những tổ chức tín dụng yếu kém thì buộc cho phá sản nhưng phải có giải pháp giảm sự hỗn loạn về tài chính cũng như bảo đảm toàn bộ những khoản tiền gửi.
Hiện đại hóa hệ thống tín dụng cũng là một phương thức hiệu quả nhằm loại trừ "bong bóng". Ông Takeshi Hachimura, nguyên cố vấn cao cấp của JICA tại NHNN Việt Nam cho rằng, việc thành lập Cục Tín dụng là cần thiết để giám sát tính lành mạnh của các tổ chức tín dụng, bảo vệ người gửi tiền, đồng thời thu hút việc cấp vốn do DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, cần hiện đại hóa giao dịch tín dụng nhằm ngăn chặn kịp thời những giao dịch tài chính mờ ám. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm xây dựng môi trường tài chính minh bạch, hiện đại hỗ trợ kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.