(HNM) - Những ngày gần đây, tại nhiều cửa hàng, đặc biệt là tại các điểm bán hàng của Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân - 1 trong 4 đơn vị phân phối và bán khẩu trang chính thống được các cơ quan chức năng công bố, luôn xảy ra tình trạng có hàng trăm người dân xếp hàng mua khẩu trang kháng khuẩn. Trước tình trạng này, vấn đề đặt ra là người dân cần tìm hiểu kỹ, cẩn trọng khi mua, sử dụng khẩu trang đúng cách để phòng, chống được dịch Covid-19 một cách hiệu quả.
Khẩu trang kháng khuẩn: Có, nhưng không nhiều!
15h ngày 19-2, tại cửa hàng số 25 Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), từng dòng người xếp hàng trong trật tự để chờ mua khẩu trang vải kháng khuẩn, có thể dùng được 30 lần sau khi giặt. Tại đây, theo quy định mỗi người chỉ được mua 5 chiếc, giá 7.000 đồng/chiếc.
Cũng từ 16h hằng ngày, tại cửa hàng của Công ty Dệt kim Đông Xuân ở số 221B Khâm Thiên (quận Đống Đa) luôn đông đúc người ra vào mua khẩu trang. Trước tình hình này, UBND phường Khâm Thiên đã cắt cử lực lượng chức năng phân luồng và điều tiết giao thông. Theo nhân viên bán hàng tại đây, trong ngày 17-2 và 18-2, cửa hàng bán được 3.000 chiếc khẩu trang/ngày và mỗi ngày chỉ bán vài tiếng là hết hàng.
Tương tự, tại cửa hàng số 460 phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), theo nhân viên bán hàng tại đây thì mỗi ngày cửa hàng bán 1.500 chiếc khẩu trang. Từ 9h đến hết buổi sáng hằng ngày, cửa hàng phát số cho 100 người; sang buổi chiều bán thêm 2 ca: Ca 1 từ 15h, ca 2 từ 17h, mỗi ca phát số bán cho 100 người; quy định mỗi người được mua 5 chiếc với giá 7.000 đồng/chiếc.
Tiếp tục tìm hiểu tại chợ thuốc Hapulico, chung cư Hapulico Complex - số 1 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân), khi phóng viên hỏi mua khẩu trang thì hơn 250 quầy thuốc ở đây đều nói không có. Tại gian hàng của Công ty Phát triển thương mại dược phẩm Hồng Phúc có vài chiếc khẩu trang loại KN95-PM2.5 với giá 30.000 đồng/cái và Kichi 3D Mask của trẻ em giá 30.000 đồng/túi 5 chiếc. Sản phẩm được quảng cáo là chống khói bụi và ngăn ngừa vi khuẩn. Khi phóng viên hỏi mua với số lượng lớn thì nhân viên cửa hàng trả lời không có. Anh Nguyễn Vũ Hưng (người chuyên mua buôn) cũng nói không thể mua được khẩu trang y tế dù là khách hàng quen thuộc của nhiều quầy hàng tại đây.
Thận trọng khi mua và hiểu biết khi dùng khẩu trang
Trước thực trạng khan hiếm khẩu trang, anh Lý Văn Dũng, người mua khẩu trang ở 221B Khâm Thiên cho biết, anh rất ủng hộ các công ty dệt may tiếp tục sản xuất và bán khẩu trang chất lượng, giá bình ổn cho người dân. Bởi theo anh Dũng, ngay ở các điểm bán khẩu trang vẫn có tình trạng người xếp hàng nhiều lần để mua hàng, sau đó bán giá cao trên mạng xã hội hoặc bán trao tay cho người khác ăn chênh lệch.
Chị Nguyễn Thị Hằng, phố Vọng Hà (quận Hoàn Kiếm) cho hay, chị xếp hàng từ 15h (ngày 18-2) để mua được 5 chiếc khẩu trang đầu tiên ở 25 Bà Triệu, sau đó nhanh chóng quay lại xếp hàng mua tiếp. Trong khoảng thời gian từ 15h đến 16h chị đã xếp hàng 6 lần, mua được 30 khẩu trang bán lại với giá 10.000 đồng/chiếc. Hoặc như anh Lê Anh Tám, phố Ngọc Hà (quận Ba Đình), một người làm nghề xe ôm cho biết, nhiều người hàng xóm đã nhờ anh xếp hàng mua hộ, trả 10.000 đồng/chiếc nên từ hai hôm nay anh đã mua được gần 50 chiếc khẩu trang tại số 221B Khâm Thiên.
Để tránh sự kiểm tra gắt gao của cơ quan quản lý, các tiểu thương sau khi gom được khẩu trang đã đăng bán nhỏ giọt hoặc bán trực tuyến. 17h30 ngày 18-2 tại siêu thị Co.op mart Hà Đông (quận Hà Đông), rất nhiều khách hàng hỏi mua khẩu trang nhưng nhân viên bán hàng nói không có. Tuy nhiên, sau đó khoảng 20 phút, khi có quá nhiều khách hàng hỏi mua khẩu trang, nhân viên phụ trách mang 10 gói thương hiệu Mayan 3D Medi PM2.5 do Công ty TNHH VPC Việt Nam sản xuất, ra treo tại kệ. 1 chiếc có giá 17.000 đồng nhưng chỉ áp dụng cho khách hàng có hóa đơn mua hàng 200.000 đồng trở lên.
Đáng lưu ý, ngay trên trang chủ chợ thuốc Hapulico, sáng 11-2-2020, chủ Facebook tên Lê Trang đã thông báo: "Khẩu trang kháng khuẩn Vinatex (Dệt kim Đông Xuân) nhà em lấy được 1.500 chiếc. Ai đang ở Hà Nội chắc biết mấy điểm bán khẩu trang này mọi người xếp hàng rồng rắn chứ ạ. Giá em bán 15.000 đồng/chiếc (trả công phơi nắng mưa dịch bệnh phải xếp hàng và đóng hàng)".
Những ngày gần đây, tình trạng buôn lậu khẩu trang, sản xuất khẩu trang kém chất lượng vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" dù các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần thận trọng, tỉnh táo không để bị lợi dụng, mua phải hàng kém chất lượng. Trên địa bàn Hà Nội, chỉ trong ngày 17-2, lực lượng chức năng đã xử phạt 174 vụ vi phạm, thu giữ 678.788 chiếc khẩu trang không có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, đeo khẩu trang giúp phòng, chống bệnh đường hô hấp rất tốt, nhưng phải xác định ở mức độ nào, nguy cơ nào, trường hợp nào, lúc nào thì dùng khẩu trang. Hiện nay, dịch chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, người dân nên dùng khẩu trang ở nơi có nguy cơ lây lan cao như khi đến nơi đông người.
Cùng quan điểm trên, theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, để phòng ngừa dịch Covid-19, người dân cần kết hợp đồng thời các yếu tố: Đeo khẩu trang đúng cách, vệ sinh tay, vệ sinh hô hấp và vệ sinh môi trường xung quanh các bề mặt tiếp xúc. Với người khỏe mạnh không có các biểu hiện viêm đường hô hấp thì chỉ cần đeo khẩu trang vải thông thường đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông, các địa điểm công cộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.