(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 với mục tiêu nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa (DHVH), phấn đấu đến năm 2015 có 60% thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố ở vùng đồng bằng và 40% ở miền núi, hải đảo, biên giới được công nhận và giữ vững DHVH. Để đạt được mục tiêu này thì cần nâng chất lượng phong trào, đặc biệt là chấm dứt bệnh hình thức.
Số lượng không đi liền chất lượng
Phong trào xây dựng làng, tổ dân phố VH là hạt nhân của phong trào TDĐKXDĐSVH, góp phần nuôi dưỡng giá trị VH truyền thống, xây dựng nông thôn mới, nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo VH của người dân. Bởi thế, phong trào nhanh chóng đi vào đời sống. Từ mô hình xây dựng làng VH đầu tiên ở thôn Tráng Việt, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) vào năm 1989, đến nay cả nước đã có 58.284/86.761 làng, tổ dân phố được công nhận DHVH, trong đó có 8.000 đơn vị tiêu biểu. Như vậy, cả nước hiện có tới 67% làng, tổ dân phố được công nhận DHVH, nhưng mới chỉ có hơn 9% làng, tổ dân phố VH tiêu biểu, nếu tính trung bình thì cứ 7 làng, tổ dân phố VH "đại trà" mới có một "tinh hoa".
Đội văn nghệ Làng văn hóa Ao Luông 2, xã Sơn A (Văn Chấn) khôi phục một điệu múa truyền thống. |
Ông Nguyễn Đạo Toàn, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thừa nhận: "Những con số thống kê mang tính chất định tính, thực tế là số lượng chưa đi liền với chất lượng". Ông Võ Văn Quỳnh (Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Trị) cho biết: Quảng Trị đã có hơn 80% số làng, tổ dân phố đạt DHVH nhưng nếu chiếu theo quy chế thì nhiều nhất cũng chỉ được hơn 70% số làng đủ tiêu chuẩn. Bắc Kạn là địa phương có quy trình xét công nhận DHVH khá khắt khe, đến nay toàn tỉnh mới có hơn 10% số làng, tổ dân phố được công nhận DHVH. Không nhiều, chất lượng cũng còn phải bàn, như lời ông Nông Văn Cử, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Kạn là "nếu chấm lại thì chỉ có khoảng 70% số đã được công nhận giữ vững DHVH". Tương tự, xã Phú Cường (Ba Vì - Hà Nội) có 100% số thôn đạt DHVH, nhưng mỗi năm gần đây có hàng chục trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Hay như làng Phong Triều, xã Nam Triều (Phú Xuyên) khi được công nhận LVH cấp tỉnh năm 1997 thì không có trường hợp nghiện ma túy nào, nhưng hiện nay đã có hơn 10 trường hợp mắc nghiện.
Dù không nói ra, nhưng ai cũng hiểu rằng chất lượng VH ở nhiều làng, tổ dân phố VH không những không được duy trì, phát huy mà còn bắt đầu mai một dần.
Nhà văn hóa chưa phát huy hiệu quả
Việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó có nhà văn hóa (NVH) - nơi sinh hoạt cộng đồng cũng là một trong những mục tiêu của phong trào TDĐKXDĐSVH. Những năm qua, các tỉnh, thành đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng NVH. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở thì NVH mới "phủ sóng" được hơn 40% số làng, bản trên địa bàn cả nước và đáng nói là đa số chỉ hoạt động èo uột.
Không khai thác, phát huy hiệu quả NVH là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương. Điển hình như huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Huyện này có tới 35 NVH thôn xây dựng ở địa điểm không phù hợp, nhiều NVH xuống cấp, thiếu hoặc không có trang thiết bị cần thiết. Tương tự, từ năm 2001 đến nay, tỉnh Đắc Lắc có 540/553 buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng NVH cộng đồng (bình quân mỗi NVH cộng đồng được đầu tư từ 100 đến 150 triệu đồng). Thế nhưng, kết quả giám sát, kiểm tra của HĐND tỉnh Đắc Lắc mới đây cho thấy hầu hết NVH cộng đồng hiện đang trong tình trạng đóng cửa, hoặc thi thoảng mới hoạt động.
Chú trọng chất lượng
Nói về việc đồng bào thờ ơ với NVH, ông Trương Bi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Đắc Lắc cho biết: Trong quá trình xây dựng NVH, chủ đầu tư khoán trắng cho đơn vị thi công. Vì vậy, hầu hết NVH được thiết kế không giống nguyên mẫu NVH cộng đồng truyền thống của đồng bào, khuôn viên chật hẹp, không thể sử dụng để tổ chức các sinh hoạt VH, văn nghệ ngoài trời. Hơn thế, sau khi bàn giao, hầu hết các công trình này đều 5 không (điện, nước, công trình vệ sinh, hệ thống âm thanh, vật dụng văn hóa truyền thống) nên không hấp dẫn đồng bào. Còn tại Hà Nội, ông Phùng Quang Trung, Trưởng phòng Nếp sống và gia đình - Sở VH,TT&DL Hà Nội nhận xét: Số NVH chỉ có "phần xác" mà thiếu "phần hồn" chiếm tỷ lệ khá lớn.
Ông Nguyễn Đạo Toàn, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, trong số nguyên nhân gây ảnh hưởng không tốt tới phong trào TDĐKXDĐSVH, cần lưu ý tới sự phát sinh tệ nạn xã hội và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở một số địa phương quá cao. Bên cạnh đó, BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH có biểu hiện hoạt động lỏng lẻo, quá trình xét duyệt DHVH ở nhiều nơi mang tính hình thức, chạy theo thành tích. Để phong trào đi vào chiều sâu, ông Nguyễn Đạo Toàn cho biết, Cục Văn hóa cơ sở sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan "sốc lại" BCĐ phong trào từ TƯ tới cơ sở; tiến hành rà soát các DHVH; đa dạng hóa các hình thức ghi nhận, biểu dương, khen thưởng đối với các điển hình, đồng thời coi kết quả đạt được của phong trào là một trong những nội dung để bình xét thi đua của các địa phương…
Danh hiệu chỉ có giá trị khi được cộng đồng, xã hội thừa nhận. Vì thế, để đạt được các mục tiêu như chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, ngay từ bây giờ các địa phương phải chấm dứt bệnh hình thức, cố chạy theo thành tích mà lơ là chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.