Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thông tin đa chiều

Phong Thu| 03/08/2010 06:54

(HNM) - Nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC) của nhiều bộ, ngành, địa phương trong gần 10 năm qua đã mang lại hiệu quả nhất định. Trong đó, truyền thông về CCHC đóng vai trò quan trọng giúp người dân nắm rõ các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực này để tham gia thực hiện, đồng thời giám sát việc triển khai thực hiện ở các cấp.


Chưa thực sự hiệu quả


Tra cứu thông tin trên bảng điện tử tại bộ phận “một cửa” quận Ba Đình.   
Ảnh: Linh Tâm


Cùng với thực hiện CCHC, theo quy định, các đơn vị đều phải công khai quy trình, thời gian, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đến nay, người dân đã có thể dễ dàng tiếp cận thông tin thông qua bảng niêm yết, màn hình cảm ứng, trang thông tin điện tử của mỗi đơn vị. Nhiều đơn vị đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), nối mạng nội bộ để lãnh đạo thuận tiện quản lý, giám sát tiến độ công việc. Tại Hà Nội, một số quận, huyện đã thực hiện hệ thống thư điện tử, họp trực tuyến, hiện đại hóa bộ phận "một cửa" tại các sở, ngành, cấp quận và cấp phường để người dân tiếp cận thông tin về CCHC một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, việc truyền thông qua hệ thống CNTT chưa mang lại hiệu quả như mong muốn do số lượng người dân sử dụng chưa nhiều. Các màn hình cảm ứng trang bị tại bộ phận "một cửa" cấp phường thuộc quận Tây Hồ ít được người dân sử dụng.

Tương tự, trang thông tin của nhiều đơn vị có phần hỏi- đáp TTHC nhưng người dân lâu nhận được hồi âm, thậm chí rơi vào quên lãng. Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cho biết, các TTHC thuộc lĩnh vực sở phụ trách đã được công khai trên website của sở, dán tại trụ sở "một cửa" nhưng nhiều đơn vị không tìm hiểu thông tin từ nguồn này mà thuê tư vấn bên ngoài nên nhiều thủ tục phải làm đi làm lại hồ sơ do tư vấn không chuẩn.

Cần thông tin phản hồi

Có thể nói, báo chí là một "kênh" quan trọng trong việc truyền thông về CCHC. Đặc biệt trong việc tuyên truyền về đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30). Thời gian qua đã có nhiều cơ quan báo chí tổ chức các chương trình, chuyên trang chuyên đề về CCHC. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc truyền thông qua kênh này vẫn chưa như mong muốn. Theo đại diện các cơ quan truyền thông, việc tìm hiểu, khai thác thông tin từ các cơ quan chức năng chưa được thuận lợi. Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí làm hạn chế sự nhanh nhạy của báo chí vì khi cần thông tin thì người phát ngôn của đơn vị lại đang đi công tác hoặc những chuyên viên nắm vững vấn đề lại không có thẩm quyền phát ngôn. Đó cũng là lý do khiến nhiều báo mở diễn đàn về CCHC nhưng không hấp dẫn độc giả, không duy trì được lâu dài.

Tại hội thảo xây dựng chương trình truyền thông về CCHC do Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) mới tổ chức, ông Đỗ Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Nội vụ cho rằng, truyền thông về CCHC cũng cần phải cải cách. Hiện nay, việc thông tin trao đổi chưa được thực hiện nhịp nhàng giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp và công dân nên nhiều ý kiến tâm huyết của công dân vẫn chìm trong im lặng. Trước thực trạng này, Bộ Nội vụ đang xây dựng chương trình truyền thông về CCHC. Chuyên gia tư vấn Tạ Ngọc Hải - tác giả thiết kế chương trình truyền thông khẳng định, cần sớm lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin trên trang tin điện tử và bản tin CCHC, xây dựng chế độ báo cáo trực tuyến qua mạng, lập chuyên mục hỏi - đáp. Theo đó, chương trình truyền thông tập trung vào thông tin quản lý (mục tiêu, nhiệm vụ chương trình, cơ chế chính sách, kế hoạch hằng năm), thông tin kỹ thuật (tuyên truyền mô hình, kinh nghiệm, bài học cụ thể) và thông tin về kết quả chương trình.

Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa cho biết, kế hoạch truyền thông do Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc phối hợp tổ chức sẽ có các lớp tập huấn về CCHC và giao ban báo chí định kỳ để cung cấp thông tin về tình hình thực hiện CCHC cho các cơ quan thông tin đại chúng. Theo dự kiến, chương trình truyền thông CCHC sẽ được duy trì từ năm 2010 đến năm 2012, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian như vậy là quá ngắn, nên kéo dài tương đương với chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2010-2020; đồng thời, bộ phận tiếp nhận thông tin phải được trao thẩm quyền để có thể nhắc nhở, đôn đốc các cơ quan hành chính sớm trả lời cụ thể cho tổ chức và công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thông tin đa chiều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.