(HNM) - Hằng ngày, Hà Nội tiêu thụ một khối lượng lương thực, thực phẩm lớn, song vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là lo ngại lớn của rất nhiều người dân, nhất là ở khu vực đô thị.
Cùng nhau xây dựng, vận hành chuỗi cung ứng rõ ràng, minh bạch, nâng cao chất lượng, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô là nội dung buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát với UBND TP Hà Nội vào chiều 23-10.
Dây chuyền giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Ngọc Linh |
Người tiêu dùng chưa có niềm tin
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận, nông dân tự trồng cho mình ăn thì bảo đảm, phần trồng để bán thì chưa chắc, do vậy phải quản lý chặt hơn để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, qua các đợt kiểm tra, với cây rau xác định 6 - 8% dư lượng vượt mức cho phép, thịt 98% an toàn về mặt dư lượng kháng sinh, nhưng nhiễm vi sinh vật cao hơn 30 - 40%.
Nhìn nhận thực tế sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cũng cho rằng, tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Đối với cây rau, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, do hộ cá thể tự chủ là chính, mỗi hộ trung bình chỉ có 720m2. Số lượng hộ nông dân sản xuất rau rất lớn (khoảng 180.000 hộ), gây khó khăn cho công tác giám sát, quản lý rau an toàn. Hiện tại, hầu hết HTX tại các vùng sản xuất rau là HTX kiểu cũ, vai trò của HTX trong việc điều phối, tổ chức tiêu thụ rau hầu như không có, người dân tiêu thụ là chính. Việc liên kết đã bước đầu hình thành một số chuỗi liên kết tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm và rau nhưng chưa bền vững, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Chính sách hỗ trợ thiếu sự đồng bộ, việc hỗ trợ các thủ tục liên quan nhiều cấp, ngành nên không kịp thời, chính sách hỗ trợ chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 50% sản phẩm rau và 90% sản phẩm thịt an toàn. Làm được điều trên cần phải tổ chức lại sản xuất theo quy hoạch, phải hệ thống được các chính sách; đẩy mạnh đào tạo và tập huấn cho người dân; có sự hướng dẫn, quản lý, giám sát chất lượng của cán bộ và có chứng nhận pháp lý của cơ quan chức năng.
Hà Nội mong muốn được Bộ NN&PTNT hỗ trợ trong các khâu nhận diện sản phẩm qua tem nhãn và chứng nhận sản phẩm; đồng thời hỗ trợ các khâu tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Việc thống nhất chủ trương xây dựng chuỗi nông sản thực phẩm cho người tiêu dùng thành phố là cần thiết, giúp giải tỏa nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trách nhiệm với người dân
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp. Tháng 7-2014 đã đề ra giải pháp xây dựng chuỗi sản xuất rau, thịt sạch, an toàn cho thành phố. Ngày 21-8-2014, Bộ NN&PTNT có buổi làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội thống nhất chương trình xây dựng đề án. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát gợi mở, trước hết chuỗi gồm cơ sở nuôi trồng an toàn, thực hiện theo tiêu chuẩn Viet GAP; phải có cơ sở chế biến, sơ chế, đóng gói; có hệ thống bán buôn, bán lẻ. Bên cạnh đó phải có hệ thống giám sát, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện theo quy chuẩn. Phải có hệ thống quản lý chỉ đạo điều phối, theo dõi, giám sát. Có cơ chế hoạt động, thông tin công khai cho dân biết, song phải chính thống; doanh nghiệp, nhà trường, quân đội, công xưởng muốn mua rau sạch thì phải có trung tâm điều phối…
Bàn giải pháp thực hiện đề án chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự thống nhất cao về cách thực hiện và các cơ chế, chính sách đi kèm. Theo ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, thành phố có hơn 2.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ, hơn 900 chợ bán sản phẩm thịt, trong đó có nhiều chợ cóc, việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Ông Đảng đề xuất, nếu xây dựng được các chợ chuyên rau, thịt, cá sẽ thuận tiện trong quản lý, truy xuất được nguồn gốc. Hy vọng thông qua sự hỗ trợ của Bộ, các chợ đầu mối chuyên dụng sẽ được hình thành, tiếp đó là các cơ sở giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật lại quan tâm đến vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Để người tiêu dùng có lòng tin, cần quản lý chặt việc cấp giấy chứng nhận, có thể truy xuất nguồn gốc doanh nghiệp, HTX cung ứng. Đồng quan điểm, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề xuất giải pháp phải đẩy mạnh quản lý doanh nghiệp, HTX; siết chặt vệ sinh an toàn thực phẩm và thành lập các Ban chỉ đạo vùng. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám lại đề xuất 3 phương án. Thành lập tập đoàn phủ toàn bộ chuỗi, điều này sẽ khắc phục hạn chế nhiều chuỗi quá không kiểm soát được như xuất khẩu gạo, cá tra. Thứ hai là các trang trại sản xuất rau, thịt, gia cầm, thu mua chế biến và cung ứng ra thị trường. Thứ ba là chăn nuôi nông hộ nhất thiết phải có HTX liên kết, kết nối với doanh nghiệp thu gom tiêu thụ…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, việc thống nhất về Bộ tiêu chuẩn sản xuất an toàn, giết mổ, bán buôn, bán lẻ; đào tạo, lấy mẫu, cấp giấy chứng nhận… là cần thiết. Bộ NN&PTNT có thể giúp Hà Nội kiểm tra xác định phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, có năng lực xét nghiệm hoặc dùng các phòng thí nghiệm của Bộ để kiểm tra. Trước mắt, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng chuỗi cung ứng bảo đảm cung cấp cho nhân dân trước hết là rau, thịt, sau này là cá, trái cây, có xác nhận nguồn gốc, giám sát từ khâu sản xuất tới người tiêu dùng. Về việc hoàn thiện đề án, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu cần tiếp tục làm rõ các nội dung: Xác định giải pháp, sản xuất, chế biến, tiêu thụ hệ thống giám sát, bộ máy chỉ đạo, quản lý, phân công rõ trách nhiệm giữa Bộ NN&PTNT và TP Hà Nội. Hình thành Ban điều phối, có quyết định, có quy chế hoạt động, họp thông qua quy chế, vận hành, phân công chỉ đạo. Dự kiến, trong tháng 11 hoàn thiện đề án, thành lập Ban điều phối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.