Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần thiết duy trì công cụ room tín dụng

Hà Linh| 13/09/2022 18:22

(HNMO) - Thời gian gần đây, có không ít ý kiến trái chiều về việc Ngân hàng Nhà nước nên duy trì hay bỏ trần tín dụng. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, việc duy trì công cụ room tín dụng vẫn cần thiết trong thời điểm này.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2011 đến nay, tín dụng của toàn hệ thống đã được kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng dưới 20%/năm nhưng đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời vốn, phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế, góp phần kiểm soát và duy trì lạm phát ổn định dưới 4%.

Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng đã góp phần ổn định hệ thống ngân hàng, giảm mặt bằng lãi suất thị trường, thúc đẩy các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành và các chỉ số an toàn hoạt động, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước đến ngày 31-8, tín dụng tăng 9,95% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, nhưng được đánh giá phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan.

Tuy nhiên, gần đây, có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nới room tín dụng cao hơn 14% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra. Giới chuyên gia trong nước và quốc tế tỏ ra thận trọng đối với đề xuất này.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021, tỷ lệ này đã đạt 124%). Mới đây, mặc dù Moody’s nâng mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2 nhưng tiếp tục cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lần lượt lên 124% và 187% trong năm 2021, là một trong những tỷ lệ cao nhất trong số quốc gia xếp hạng Ba và Baa.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, vấn đề quan trọng nhất hiện nay để phát triển thị trường vốn, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế phát triển bền vững là cần nhanh chóng sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu cũng như trong những năm tới có thể chế tốt để thúc đẩy thị trường trái phiếu trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

TS. Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, hiện nay, nhu cầu của nền kinh tế không chỉ có vốn ngắn hạn mà cả vốn trung - dài hạn, nhưng nguồn vốn ngân hàng không thể đáp ứng đủ. Bởi lẽ, ngân hàng chủ yếu cung ứng vốn ngắn hạn, còn trung - dài hạn phải phụ thuộc vào thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán. Vì vậy, cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế để có thể phát triển kênh trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên thận trọng trong điều chỉnh chính sách. Theo ông Francois Phainchaud - Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, việc điều hành chính sách tiền tệ cần hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng. Chính sách về tài khóa cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu cụ thể và trên diện rộng để không đi ngược lại chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tăng cường quản lý hệ thống ngân hàng với những chính sách cẩn trọng đối với vấn đề này. Hơn thế, Việt Nam duy trì chính sách tỷ giá ổn định, cho phép VND mất giá thấp hơn nhiều nước thông qua việc bán dự trữ ngoại hối, đồng thời để lãi suất trong ngắn hạn tăng, nhờ đó kiềm chế được lạm phát. Do đó, nếu tăng trần tín dụng, sẽ làm giảm hiệu lực các chính sách nêu trên trong kiềm chế lạm phát.

Ở Việt Nam, tín dụng là kênh chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Do đó, các chuyên gia đều cho rằng, trước mắt, duy trì room tín dụng là rất quan trọng. Thời gian tới, chính sách tiền tệ cần định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Việc xác định room tín dụng cho các ngân hàng cần dựa vào cơ cấu tín dụng và các hệ số rủi ro. Đây chính là cách hỗ trợ cho chính sách tài khóa một cách gián tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết duy trì công cụ room tín dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.