Theo dõi Báo Hànộimới trên

Can thiệp quân sự vào Trung Phi: Pháp chọn sự mạo hiểm

Quỳnh Chi| 13/12/2013 06:31

(HNM) - Bốn ngày sau khi công bố kế hoạch can thiệp quân sự vào Trung Phi nhằm ngăn chặn một thảm họa nhân đạo cũng như nguy cơ lây lan chủ nghĩa khủng bố, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thực hiện chuyến thăm đặc biệt tới nước cộng hòa này trong nỗ lực làm

Tổng thống Pháp F.Hollande thăm các binh sĩ Pháp ở Trung Phi.



Với số dân khoảng một tỷ người, chiếm hơn 1/3 nguồn tài nguyên khoáng sản của thế giới, Châu Phi ngày càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, những mỏ dầu mới được phát hiện đưa châu lục này vào "vị trí trang trọng" trên bản đồ năng lượng toàn cầu. Trong thập kỷ qua, nhất là những năm gần đây, Lục địa đen chứng kiến cuộc "đổ bộ" ồ ạt của các cường quốc tìm kiếm cơ hội hợp tác và khai thác tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế. Không chỉ Trung Quốc, Mỹ mà cả Ấn Ðộ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các nước Nam Mỹ xa xôi đều quan tâm và tìm cách tiếp cận khu vực giàu tiềm năng này. Với việc coi Châu Phi là "châu lục tương lai thế kỷ XXI" và thực hiện nhiều chuyến thăm cấp cao tới khu vực, hiện Mỹ đã trở thành đối tác lớn của châu lục này khi đạt được nhiều hợp đồng nhập khẩu dầu mỏ lớn, chiếm tới 15% nhu cầu trong nước và dự kiến lên tới 25% vào năm 2015. Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia Châu Phi hiện đã vượt con số 7,8 tỷ USD. Khoảng 16.000 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực. Ấn Ðộ cũng tăng tốc trong cuộc đua tới Lục địa đen với kế hoạch tăng gấp đôi các khoản tín dụng, (lên 5,4 tỷ USD trong 5 năm tới), cùng các dự án trong chương trình "hỗ trợ Châu Phi".

Trong bối cảnh cạnh tranh địa - chính trị giữa các cường quốc tại Châu Phi ngày càng gay gắt, không khó để giải thích tại sao Pháp lại nhanh chóng đưa ra quyết định lần thứ hai can thiệp quân sự vào Châu Phi sau cuộc chiến tại Mali hồi đầu năm. Bởi hơn bất cứ quốc gia nào, Pháp và Châu Phi có một "duyên nợ lịch sử". Rất nhiều nước trong khu vực từng là thuộc địa của Pháp và có mối quan hệ khá mật thiết, nhất là các quốc gia sử dụng tiếng Pháp. Vào thời kỳ đỉnh cao, trao đổi thương mại Pháp - Châu Phi từng chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước hình lục lăng. Tuy nhiên, từ năm 1990, Pháp giảm bớt đầu tư tại Lục địa đen, cả với những khu vực mà nước này cho là truyền thống. Trong khi xuất khẩu Châu Phi tăng 16% trong vòng 10 năm trở lại đây, Pháp đánh mất từ 10 đến 20 điểm thị phần tại khu vực này. Trao đổi thương mại song phương hiện nay chỉ ở con số rất khiêm tốn là 2%.

Vì thế, việc Pháp liên tục có những động thái liên quan tới Châu Phi đặc biệt là sự hiện diện của Tổng thống Pháp F.Hollande ngay tại vùng giới nghiêm ở thủ đô Bangui của Trung Phi cho thấy quyết tâm của Paris trong "cuộc đua" gay cấn này. Hiện tại, Trung Phi rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng sau khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng Hồi giáo nổi dậy Seleka của thủ lĩnh Michel Djotodia lật đổ (tháng 3-2013). Sau đó M.Djotodia trở thành Tổng thống Hồi giáo đầu tiên ở đất nước mà đa số người dân theo Thiên chúa giáo. Việc "tự phong này" đã làm bùng phát các cuộc xung đột đẫm máu trong nhiều tháng giữa các chiến binh Hồi giáo và Thiên chúa giáo. Khoảng 1/10 trong tổng số 4,6 triệu dân Trung Phi bỏ chạy khỏi đất nước khi bạo lực không ngừng leo thang. Chỉ trong vòng một tuần qua, đã có hơn 500 người thiệt mạng.

Với việc tăng cường triển khai binh sĩ tại Trung Phi (lên tổng số 1.600 quân) cùng sự hỗ trợ của nhiều quốc gia trong khu vực, chiến dịch can thiệp của Pháp có thể giúp nước này sớm đi vào ổn định để hướng tới cuộc bầu cử trước năm 2015. Tuy nhiên, việc can dự quân sự vào Trung Phi, cũng như Mali, có thể đẩy nước Pháp vào tình thế nguy hiểm khi phải đối mặt với nguy cơ khủng bố và các cuộc tấn công từ những phần tử Hồi giáo cực đoan. Thêm nữa, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp, chính quyền và người dân phải "thắt lưng buộc bụng", việc duy trì hàng nghìn binh sĩ Pháp tại hai mặt trận trên sẽ tốn phí một khoản tiền không nhỏ. Chưa kể những mất mát về người như việc 2 binh sĩ Pháp vừa thiệt mạng tại chiến trường Trung Phi cách đây hai ngày… Tất cả đều có thể khiến dư luận trong nước nổi sóng. Do vậy, cuộc trở lại Châu Phi bằng quân sự của Paris thực sự nhiều mạo hiểm nhưng Pháp không có sự lựa chọn khác khi các con đường để đến Phi Châu đều đã rất "đông người".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Can thiệp quân sự vào Trung Phi: Pháp chọn sự mạo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.