(HNM) - Có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, sau hơn một năm thực hiện, Luật Thanh tra đã bước đầu đạt được mục đích phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật...
Tuy nhiên, để luật thực sự phát huy hiệu quả, nhiều bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ một số vướng mắc.
Trước hết, về tổ chức, hiện thanh tra các bộ, ngành, địa phương đang được bố trí sắp xếp theo 2 mô hình tổ chức khác nhau. Một là, cơ quan thanh tra được tổ chức thành các phòng nghiệp vụ thanh tra gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo theo địa bàn. Số khác vẫn tiếp tục tổ chức theo mô hình tách phòng giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng nghiệp vụ thanh tra thành những phòng riêng.
Về thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp, hiện thanh tra các cấp đang gặp phải những vướng mắc trong việc xây dựng kế hoạch, ra quyết định thanh tra đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng thành lập đóng tại địa phương. Để khắc phục tình hình này, các địa phương kiến nghị cần bổ sung những hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp của Nhà nước, phân định rõ phạm vi thanh tra của thanh tra bộ với thanh tra tỉnh, thanh tra tỉnh với thanh tra sở khi tiến hành thanh tra doanh nghiệp nhà nước theo phạm vi quản lý của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp. Tương tự, về quyền phong tỏa tài khoản, theo quy định của luật thì người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản khi xét thấy cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này là rất khó khăn vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Để thực hiện được quyền này cần phải có văn bản hướng dẫn giữa Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý là vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định chức danh Chánh Thanh tra tại các Cục Hàng không, Hàng hải, An toàn bức xạ và hạt nhân và Chánh Thanh tra Ủy ban chứng khoán nhà nước. Tuy nhiên, Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành luật lại chưa quy định về vấn đề này. Đây là nội dung cần được bổ sung để các chính sách pháp luật về thanh tra được đồng bộ, nhất quán.
Thiết nghĩ, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về thanh tra là điều cần thiết, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.